Những ngôi trường đầu tư xây dựng khang trang, công tác giảng dạy được đổi mới, chất lượng học tập được nâng lên... Đó là bức tranh sinh động của công tác giáo dục ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của huyện Yên Châu hôm nay.
Đến thăm Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng On, huyện Yên Châu, chúng tôi rất ấn tượng với điều kiện cơ sở vật chất nơi đây được đầu tư khang trang sạch đẹp, khuôn viên rộng rãi, sân trường được bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh học tập và sinh hoạt bán trú tại trường học.
Đón tiếp chúng tôi, thầy giáo Vũ Lê Khang, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: Trường hiện có tổng số 13 phòng học; nhà đa năng, nhà bếp, sân chơi, sân thể thao được xây dựng kiên cố. Mừng nhất là trong năm học này, nhà trường tiếp tục được đầu tư thêm 1 nhà lớp học 2 tầng, gồm 6 phòng học và 6 phòng bán trú cho học sinh, tạo thuận lợi cho đổi mới giáo dục của nhà trường.
Năm học 2022-2023, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng On có 4 khối lớp, 580 học sinh. Phần lớn học sinh ở bán trú nên ngoài việc truyền thụ kiến thức văn hóa ở trường, các giáo viên còn dạy các em cách ăn, ở, vệ sinh và ứng xử với bạn bè, thầy cô, giúp các em yêu trường, mến lớp. Trong hoạt động chuyên môn, Ban giám hiệu nhà trường đã đổi mới, định hướng, phân luồng học sinh để có kế hoạch phụ đạo kiến thức cho học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh có học lực khá, giỏi. Khảo sát, phân loại giáo viên, phân công giáo viên cốt cán, giáo viên có chuyên môn vững giúp đỡ giáo viên còn hạn chế về chuyên môn, phương pháp dạy học, phương pháp quản lý học sinh. Nhờ đó, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao; kết quả học kỳ I năm học 2022-2023, toàn trường có trên 14% học sinh đạt học lực khá, giỏi; trên 95% học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt; tại kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện năm học 2022-2023, có 1 em đoạt giải ba môn Lịch sử và 1 giải ba môn Tiếng Anh.
Rời xã Chiềng On, chúng tôi đến thăm Trường tiểu học và THCS Mường Lựm, nơi đây có trên 97% đồng bào dân tộc Mông, Thái sinh sống. Những năm qua, với sự quan tâm của Nhà nước, Trường tiểu học và THCS Mường Lựm được đầu tư xây dựng 3 dãy nhà 2 tầng, với hơn 30 phòng học; phòng ăn, ở bán trú sạch đẹp. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Tuyển, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Mường Lựm, chia sẻ: Trường có 719 học sinh, 43 cán bộ, giáo viên; trước đây khi chưa có phòng học bộ môn, thời gian sắp xếp cho các giờ dạy thực hành của giáo viên tốn khá nhiều thời gian và công sức mà hiệu quả không cao. Từ khi có phòng học bộ môn, thiết bị máy tính được đầu tư, thầy và trò lên lớp không phải dạy học “chay”. Đáng chú ý, nhờ được sửa chữa và xây dựng mới phòng bán trú nên đã cơ bản đáp ứng cho trên 170 học sinh ở xa có điều kiện sinh hoạt tốt hơn.
Em Lò Thị Hiên, học sinh lớp 7B ở bản Ôn Ốc, đang ở bán trú tại trường, chia sẻ: Em rất thích đến trường vì có các bạn cùng chơi, lại được thầy cô chăm sóc, dạy bảo. Ngoài ra, các giờ học thực hành có nhiều trang thiết bị lần đầu em được làm quen nên rất vui.
Yên Châu có 50 đơn vị trường học, với hơn 22.500 học sinh, trong đó, có 4 xã vùng biên giới, gồm: Chiềng On, Phiêng Khoài, Lóng Phiêng, Chiềng Tương và các xã Mường Lựm, Tú Nang là xã vùng ba, vùng cao. Những năm qua, huyện Yên Châu đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các trường vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Giai đoạn 2016 -2022, các trường học trên địa bàn các xã vùng cao, vùng biên giới của huyện đã được đầu tư trên 13 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa, hoàn thiện cơ sở vật chất, góp phần cải thiện điều kiện dạy và học, tăng tỷ lệ học sinh chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
Bà Vũ Thị Tuyết, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Châu, cho biết: Đối với các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, ngành đã chỉ đạo quyết liệt công tác chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, tăng cường năng lực cán bộ quản lý, hướng tới đổi mới phương pháp dạy học, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nhờ đó, chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới ngày càng có chuyển biến tích cực; hằng năm, tỷ lệ học sinh tại các trường vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ xếp loại hạnh kiểm tốt, khá hằng năm đạt trên 95%; tỷ lệ học lực giỏi, khá bậc tiểu học đạt trên 45%; bậc THCS đạt trên 17%. Đặc biệt, học sinh các trường vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đoạt các giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh ngày càng tăng.
Với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của các thầy cô giáo trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của huyện Yên Châu đã và đang góp phần làm thay đổi chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!