Khơi dậy tình yêu quê hương từ chương trình giáo dục địa phương

Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai từ năm học 2020-2021, trong đó, giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc, tương đương với một môn học. Việc đưa nội dung này vào các trường học góp phần nâng cao hiểu biết về lịch sử, văn hóa, những giá trị sống tốt đẹp của quê hương, đất nước cho học sinh.

Trường Tiểu học và THCS Mường Lựm, huyện Yên Châu giáo dục truyền thống cho học sinh tại di tích địa điểm thành lập chi bộ đầu tiên của huyện.

Triển khai chương trình, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức biên soạn và triển khai chương trình giáo dục địa phương (GDĐP); thành lập ban biên soạn, hội đồng thẩm định, với thành viên là những nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên am hiểu các vấn đề về địa phương để xây dựng tài liệu. Tổ chức hội thảo, góp ý cho nội dung tài liệu... Đồng thời, phối hợp với Dự án THCS vùng khó khăn nhất giai đoạn 2 để được hỗ trợ biên soạn tài liệu cấp THCS. Ký hợp đồng với Công ty cổ phần Sách và thiết bị giáo dục miền Bắc - Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để biên soạn tài liệu cấp tiểu học, THCS, THPT.

Ông Vũ Việt Hùng, Trưởng phòng Giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT, cho biết: Đến thời điểm này, tài liệu GDĐP theo chương trình giáo dục phổ thông mới của lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 7 đã hoàn thiện và đưa vào giảng dạy. Đối với lớp 3 và lớp 10, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh trình Bộ GD&ĐT thẩm định ban hành lần 2, dự kiến đến tháng 3/2023 sẽ đưa vào dạy tại các trường tiểu học, THPT. Nội dung biên soạn tài liệu địa phương đã bám sát quy định của Bộ GD&ĐT. Mỗi chủ đề trong tài liệu GDĐP được thiết kế theo từng bài học cụ thể, thông tin chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường... trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở tài liệu GDĐP ở các khối lớp được ban hành, phê duyệt, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn, triển khai đến 100% cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học, THCS, THPT về các nội dung chương trình, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; kiểm tra đánh giá. Khuyến khích các trường tổ chức dạy theo chủ đề, lĩnh vực; tăng cường tính thực hành, trải nghiệm thông qua các hoạt động tập thể, thực tế, dự án học tập, hoạt động phục vụ cộng đồng. Riêng cấp tiểu học, nội dung GDĐP được tích hợp với các môn học, hoạt động giáo dục; hoạt động trải nghiệm; đảm bảo tính thực tiễn, khoa học, sư phạm, phù hợp với các đặc điểm tâm lý, trình độ phát triển nhận thức của học sinh.

Qua tài liệu GDĐP, học sinh được tiếp cận và tìm hiểu các nội dung về văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương, như: Quê hương, danh lam thắng cảnh; nghề, làng truyền thống; phong tục tập quán; các loại hình nghệ thuật truyền thống; lễ hội truyền thống; di tích lịch sử văn hóa; một số nhân vật tiêu biểu, danh nhân. Các nội dung GDĐP được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm và trong dạy học các môn học: Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý.

Cô giáo Ngô Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quyết Thắng, Thành phố, cho hay: Trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy chương trình GDĐP phù hợp. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tham quan về trang phục dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Dao; các Lễ hội mừng cơm mới, Hết Chá, giã bánh dày tại Bảo tàng tỉnh, thu hút học sinh và phụ huynh nhiệt tình hưởng ứng.

Ở bậc THCS và THPT, nội dung GDĐP có vị trí tương đương với các môn học khác. Với thời lượng 35 tiết/năm học, chương trình được thiết kế theo hướng mở giúp các em sáng tạo trong học tập, linh hoạt vận dụng thực tế. Các trường học phân công giáo viên phù hợp chuyên môn giảng dạy, ra đề, kiểm tra, đánh giá với những tiêu chí và thời gian cụ thể. Hướng dẫn cân đối kiến thức trong bài đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ theo tỷ lệ số tiết của chủ đề. Khuyến khích học sinh tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm những tranh ảnh, clip có liên quan trước mỗi nội dung bài học; giáo viên chia sẻ tài liệu, kế hoạch bài dạy giữa các giáo viên.

Thầy giáo Hoàng Phúc Đại, Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS Chiềng Khoi, huyện Yên Châu, chia sẻ: Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm 2021, môn học GDĐP được đưa vào giảng dạy. Nhà trường đã lựa chọn nghề dệt, thêu và rèn truyền thống tại xã để giới thiệu, cho học sinh tìm hiểu, trải nghiệm. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào của học sinh đối với nghề truyền thống của quê hương mình, góp phần cùng chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa.

Qua 2 năm triển khai chương trình GDĐP cho thấy, đây là môn học thiết thực, ý nghĩa, giúp học sinh hiểu về truyền thống lịch sử, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước và có ý thức hơn trong rèn luyện đạo đức, lối sống, học tập để trở thành công dân tốt, góp phần xây dựng quê hương phát triển.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới