Luật Dầu khí được ban hành ngày 6/7/1993, được sửa đổi bổ sung vào các năm 2000 và năm 2008 đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực thăm dò, tìm kiếm và khai thác, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều thay đổi, Luật Dầu khí đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành dầu khí; hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác…
Ngày 20/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) phối hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi nhằm hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí.
Để giải quyết những điểm hạn chế này, TS Khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Vusta cho rằng: Cần sớm khắc phục những bất cập và sửa đổi Luật dầu khí để làm cơ sở cho việc cụ thể hóa các quy định của pháp luật, trên quan điểm: Thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với các hoạt động dầu khí. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về các hoạt động dầu khí; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan; tạo sự minh bạch rõ ràng trong các quy trình, thủ tục triển khai các hoạt động dầu khí. Kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật dầu khí hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động dầu khí. Bảo đảm tính ổn định, nguyên tắc không hồi tố trong Luật Dầu khí để tránh các vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình thực hiện các hợp đồng dầu khí đã ký kết.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho biết: Với nguyên tắc xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật Dầu khí trên cơ sở 6 nhóm chính sách lớn mà Bộ Công thương trình Chính phủ ngày 14/12/2020 về đề nghị xây dựng Luật Dầu khí, trên cơ sở nhận diện các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành, ngày 19-10-2021, Tập đoàn đã gửi ý kiến cho Bộ Công thương về Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi với các mục tiêu, như sau:
Đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí; khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí để thu hút được nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài; bảo đảm tính logic, đồng bộ, thống nhất giữa các nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đưa ra đề xuất, cần hoàn thiện các quy định liên quan hợp đồng dầu khí. Đồng thời, để bảo đảm khuyến khích đầu tư và duy trì hoạt động dầu khí, các nhà khoa học cho rằng cần xem xét bổ sung trường hợp: Sau giai đoạn thăm dò, các phát hiện dầu khí có quy mô nhỏ, các mỏ khó có khả năng phát triển khai thác thương mại hay duy trì tiếp tục khai thác thì nhà đầu tư, nhà thầu có thể đề xuất các điều kiện để dự án có tính khả thi.
Điều chỉnh và bổ sung các quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi; quy định về ưu đãi đầu tư; quy định về các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; công tác kế toán, kiểm toán và quyết toán…
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!