Hiệu quả nấu ăn cho học sinh bán trú ở vùng cao Bắc Yên

Từ năm học 2012-2013, thực hiện Nghị quyết số 61 và 81 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ tổ chức nấu ăn tập trung tại các trường phổ thông có học sinh bán trú, mô hình bếp ăn cho học sinh bán trú đã được triển khai hiệu quả và rộng khắp.

 

Một bữa ăn của học sinh bán trú Trường PTDT bán trú THCS Hang Chú (Bắc Yên).

Trong đó, phải kể tới địa bàn huyện vùng cao Bắc Yên, nơi được tỉnh chọn Trường Trung học cơ sở xã Háng Đồng làm thí điểm và sau đó nhân rộng ra toàn huyện và toàn tỉnh. Từ chủ trương hợp lòng dân đó, những năm qua, cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, huyện Bắc Yên đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống lớp học, nhà ở, nhà bếp và các công trình phụ trợ phục vụ công tác nấu ăn bán trú cho học sinh vùng cao và đón nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 61 và 81 của HĐND tỉnh và Kết luận 956 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về công tác tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng Đề án thành lập trường Phổ thông dân tộc bán trú và xây dựng cơ sở vật chất các trường bán trú. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân tham gia đóng góp vật liệu xây dựng, tiền mặt, ngày công lao động xây dựng nhà ăn, nhà bếp và các công trình phụ trợ để đảm bảo chỗ ăn, nghỉ cho học sinh. Phối hợp với Trung tâm y tế huyện tổ chức tập huấn về công tác vệ sinh ATTP cho cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú. Ký kết hợp đồng với Chi nhánh Công ty lương thực Bắc Yên để thuê kho tạm trữ, nhân công bốc dỡ và vận chuyển gạo đến các trường vào ngày 23 hàng tháng; tiếp nhận và chi trả các chế độ chính sách kịp thời, đúng quy định. 

3 năm qua, bằng việc tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, Bắc Yên đã huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhân dân và giáo viên tham gia đóng góp hơn 15,8 tỷ đồng để xây dựng 138 phòng bán trú học sinh (trong đó 13 nhà lắp ghép), tu sửa, cải tạo và xây dựng 29 nhà bếp, 26 khu vực ăn tập trung cho các trường tổ chức nấu ăn bán trú và hỗ trợ kinh phí khoan giếng nước, đường ống dẫn nước, tấm lợp, làm nhà vệ sinh, xi măng làm nền nhà... Bên cạnh đó, một số trường còn chủ động đề xuất với UBND xã xin hỗ trợ hơn 1.700 tấn xi măng được cấp theo Nghị quyết 41 và 63 của HĐND tỉnh; vận động cán bộ, công chức, viên chức đóng góp ngày công, cát sỏi thực hiện bê tông 5.000m2 sân trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hồng Ngài, Hang Chú, Hua Nhàn, Làng Chếu và trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hang Chú. Ngoài ra, đã tiếp nhận và cấp phát 1.850 tấn gạo tới 34 đơn vị trường học có học sinh được hưởng chế độ hỗ trợ cấp gạo theo Quyết định 36 của Thủ tướng Chính phủ; chi trả hơn 46 tỷ đồng chế độ hỗ trợ cho học sinh bán trú theo Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ; chi trả hơn 5 tỷ đồng thuê nhân viên y tế, nhân viên bảo vệ và nhân viên cấp dưỡng, phục vụ thực hiện theo mức hỗ trợ tại Nghị quyết 61, 81 của HĐND tỉnh. Đến nay, toàn huyện đã có 288 phòng bán trú học sinh kiên cố và bán kiên cố, 29 nhà bếp, 24 nhà và khu vực tổ chức nấu ăn tập trung có đủ trang thiết bị, 36 công trình vệ sinh các loại và 100% nhân viên cấp dưỡng đều được cấp giấy chứng nhận VSATTP.

Trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động dạy và học, các trường học ở huyện Bắc Yên đã thực hiện tốt việc phân công nhiệm vụ cho cán bộ, giáo viên trực tiếp theo dõi, quản lý học sinh bán trú; công khai, minh bạch về tài chính; 100% các trường bán trú đều xây dựng nội quy bán trú. Các em học sinh bán trú được tham gia các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, học tập nhóm, tập thể dục giữa giờ và tổ chức thể thao vào các buổi chiều... tạo ra môi trường vui chơi, thư giãn giúp các em tiếp nhận kiến thức dễ dàng hơn sau những giờ học căng thẳng, gắn kết tình cảm bạn bè. Bên cạnh đó, các trường còn tổ chức cho học sinh bán trú tham gia vào hoạt động lao động sản xuất, như: trồng rau xanh, nuôi lợn, gà... vừa giúp cải thiện bữa ăn, rèn luyện kỹ năng lao động, giáo dục kỹ năng sống, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tự lập cho mỗi học sinh.

Đến nay, sau 3 năm thực hiện chủ trương nấu ăn bán trú của tỉnh tại huyện Bắc Yên đã có 31 trường (đạt hơn 93%) tổ chức nấu ăn cho 3.773 học sinh bán trú. Có thể khẳng định, mô hình tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú tại tỉnh ta nói chung, tại huyện Bắc Yên nói riêng đã phát huy hiệu quả, khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Các em học sinh không phải tự nấu ăn như trước mà dành được nhiều thời gian ưu tiên cho việc học. Nhờ đó, sức khỏe của học sinh được đảm bảo, kết quả học tập của các em được nâng lên; học sinh đoàn kết gắn bó hơn trong sinh hoạt tập thể và phụ huynh yên tâm khi để con em đi học xa nhà. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác dạy và học ở huyện vùng cao Bắc Yên.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới