Để thế hệ trẻ hiểu và không quên giá trị chân thực của lịch sử, chúng ta phải thay đổi để môn Lịch sử thực sự được họ coi trọng và yêu thích.
Trong Dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” do Bộ GD-ĐT vừa công bố có đề cập đến môn học mới là “Công dân với Tổ quốc”, dựa trên sự gộp, ghép 3 phân môn: Đạo đức – Công dân, Lịch sử và Quốc phòng – An ninh.
Như vậy, dự kiến trong tương lai, môn Lịch sử sẽ không đứng độc lập như hiện nay. Vấn đề này ngay lập tức gây ra sự tranh luận, phản ứng nhiều chiều từ giới nghiên cứu lịch sử, các nhà khoa học, nhà giáo và dư luận xã hội.
Lý giải cho việc gộp, ghép như trên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, Bộ luôn coi trọng giáo dục môn Lịch sử cho học sinh nhưng chương trình, phương pháp giảng dạy, học tập môn học này ở các trường phổ thông phải được đổi mới.
Việc đưa nội dung lịch sử nằm trong môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc” là nhằm phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh, làm sao không để các em rơi vào tình trạng học tủ, học lệch, nặng về trình bày, học thuộc lòng.
Trước sự đổi mới môn Lịch sử, Bộ GD-ĐT đặt giáo dục lịch sử trong tổng thể cả hệ thống giáo dục trung học. Môn Lịch sử nên được đặt trong sự tác động qua lại giữa các môn khoa học khác với nhau để giáo viên và học sinh dễ dàng vận dụng kiến thức một cách khái quát, tổng hợp.
Chúng ta vẫn còn nhớ, sự chán nản, quay lưng với môn Lịch sử được thể hiện rất rõ khi hàng trăm học sinh trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TP HCM) ném đề cương môn Lịch sử trắng xóa cả sân trường sau khi biết trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 không thi môn học này.
Việc học sinh “bỏ bê” môn Lịch sử được thể hiện rất rõ thông qua kết quả thi cử khi trong nhiều kỳ thi quốc gia những năm gần đây, điểm thi môn học này đều bị đánh giá là thấp nhất với hàng chục nghìn bài thi dưới điểm trung bình, hàng trăm bài thi bị điểm không và điểm liệt.
Và có lẽ cao trào của sự ngoảnh mặt, quay lưng với môn Lịch sử khiến giới chuyên môn nghiên cứu Sử học, giáo viên và các nhà quản lý giáo dục đều phải trăn trở là câu chuyện 19 giám thị chỉ coi thi có duy nhất 1 thí sinh tại một Hội đồng thi Tốt nghiệp THPT ở Hà Nội năm 2014.
Vì sao học sinh lại chán nản, quay lưng với môn Lịch sử? Xin đừng đổ lỗi tất cả do các em bởi lớp trẻ hôm nay vẫn yêu thích lịch sử nhưng với những cách thức rất đơn giản. Bằng chứng là thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến các bạn trẻ nồng nhiệt đón nhận cuốn nhật ký “Đặng Thùy Trâm” một cách rất tự nhiên, không hề gượng ép.
Bởi cuốn nhật ký đã tái hiện những dấu ấn lịch sử, hình ảnh nhiều thế hệ thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” một cách rất giản dị, trung thực nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc mà không hề “đao to, búa lớn” như các bài giảng lịch sử dày đặc sự kiện, nhân vật, con số, ngày tháng mang tính nhồi nhét kiến thức.
Có thể nói, đổi mới cách dạy môn Lịch sử là động thái tích cực của Bộ GD-ĐT theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo”.
Tuy nhiên, việc làm trên của Bộ GD-ĐT lại không nhận được sự đồng thuận, thậm chí là gây ra phản ứng gay gắt trong giới Sử học, các nhà khoa học nhiều nhà giáo. Bởi họ lo ngại, nếu môn Lịch sử bị tích hợp với nhiều môn học khác theo kiểu gộp, ghép cơ học thì có thể môn học này sẽ bị “xé nát” hoặc chắp vá vụn vặt…
Lịch sử có tính chất đặc thù riêng, giữ vị trí quyết định trong việc trang bị có hệ thống những tri thức nền tảng về văn hóa dân tộc, để từ đó duy trì và phát huy bản chất của con người Việt Nam luôn đề cao lòng tự tôn dân tộc với tinh thần yêu nước nồng nàn.
Điều quan trọng trong giảng dạy, học tập Lịch sử là giúp con người có được tinh thần, hồn phách của lịch sử dân tộc; giúp con người có khả năng nhìn nhận, đánh giá mọi sự vật, hiện tượng một cách khách quan dựa trên những giá trị chân thực của lịch sử dân tộc và nhân loại để tự rút ra được bài học hữu ích cho hiện tại và tương lai.
Vấn đề đặt ra khi đổi mới chương trình, giảng dạy môn Lịch sử là trách nhiệm của xã hội, của ngành Giáo dục hay các tổ chức có trách nhiệm, trong đó có cả giới Sử học là phải làm sao để môn học này thực sự được các bạn trẻ coi trọng và yêu thích.
Chúng ta phải mang đến cho họ những giá trị chân thực, nhân văn của lịch sử chứ không phải là giảng dạy Lịch sử thông qua những sự kiện dày đặc con số, ngày tháng với cách thức giảng dạy nhàm chán, máy móc khiến nhiều học sinh dễ nhầm lẫn theo kiểu hiểu Quang Trung - Nguyễn Huệ là hai người khác nhau, có những mối quan hệ như: Hai anh em, bố con, bạn bè cùng chiến đấu…
Chính vì thế, việc đổi mới môn Lịch sử phải có tính hệ thống, không phải là sự gộp, ghép nối, chắp vá một cách cơ học các môn học khác lại. Và hơn lúc nào hết, nếu muốn đổi mới môn khoa học cơ bản này, ngành Giáo dục cần phải trân trọng, lắng nghe ý kiến từ xã hội, đặc biệt là các nhà khoa học và giới nghiên cứu Lịch sử./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!