Giáo dục thực chất, khắc phục bệnh thành tích

Vượt qua sóng gió của vụ việc tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ đánh giá thực trạng đến đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả của giáo dục địa phương.

Lấy chất lượng làm nền

           

Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin: Đầu năm học 2019-2020, Sở đã tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp để cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục. Sau Hội nghị, đã ban hành Thông báo số 544/TB-SGDĐT ngày 16/9/2019 tới các trường học toàn tỉnh, xác định rõ quan điểm và chủ trương chỉ đạo chung về cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Sơn La.

           

Giờ học thí nghiệm môn hóa của học sinh Trường THPT Mai Sơn.

           

Một trong những giải pháp trọng tâm là Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện công tác khảo sát chất lượng theo đề chung của Sở đối với học sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10) để thực hiện bổ sung kiến thức, kỹ năng cho học sinh các lớp đầu cấp, nhằm đảm bảo bắt kịp nội dung, chương trình cấp học. Đồng thời, phản hồi về kết quả khảo sát chất lượng với cấp học dưới, yêu cầu cấp học dưới bàn giao học sinh cho cấp học trên phải có sự tiến bộ. Kiểm tra học kỳ theo đề chung của Phòng GD&ĐT đối với học sinh lớp 9, đề chung của Sở đối với học sinh lớp 10, 11 và đề chung của trường đối với các khối lớp còn lại để kiểm soát việc dạy học của các giáo viên, không để giáo viên tự kiểm tra, tự đánh giá kết quả học sinh do mình giảng dạy.

           

Theo thông tin của các trường THPT tổ chức khảo sát học sinh sau xét tuyển vào lớp 10 ngay đầu năm học, kết quả có sự chênh lệch lớn với học bạ THCS. So sánh điểm thi tuyển và điểm khảo sát đối với học sinh vào lớp 10 với điểm kiểm tra học kỳ II theo đề thi chung của Sở Giáo dục và Đào tạo, với điểm học bạ của học sinh ở lớp 9 và kết quả tốt nghiệp THCS của các đơn vị có độ chênh lệch khá lớn. Cá biệt tại các huyện: Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Bắc Yên, Mường La có tỷ lệ điểm dưới trung bình rất cao. Không giấu giếm chỉ ra việc đánh giá kết quả học tập ở cấp THCS chưa thực chất, bị “bệnh thành tích” chi phối, nhưng phương pháp khách quan nhận được sự đồng tình của các trường học trên địa bàn tỉnh.

           

Hội thảo đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 Trường THPT Mai Sơn.

           

Thầy giáo Nguyễn Vĩnh Hà, Phó hiệu trưởng Trường THPT Mai Sơn, cho biết: Hằng năm, nhà trường đều khảo sát chất lượng học sinh lớp 10 ngay sau khi xét tuyển và gửi kết quả về Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường có học sinh học lên lớp 10, có sự chênh lệch không nhỏ đối với các trường học vùng sâu vùng xa. Chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo về thi đề chung và bàn giao chất lượng học sinh giữa các cấp học rất đúng đắn, để cấp học dưới và cấp học trên trao đổi, rút kinh nghiệm đề ra phương pháp cải thiện chất lượng giáo dục hơn trong những năm tới.

           

Theo ông Phạm Văn Khanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Sơn: Đánh giá chất lượng học sinh đầu cấp là cần thiết làm căn cứ chỉ đạo tổ chức thực hiện việc dạy và học hiệu quả năm học tiếp theo. Thông qua đề thi chung của Sở Giáo dục và Đào tạo đảm bảo việc đánh giá khách quan, thực chất. Mặt khác, tránh tình trạng cấp học trên đổ lỗi cho cấp học dưới; khuyến khích cấp học dưới đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học hơn. Ngoài chú trọng khảo sát, đánh giá chất lượng đầu cấp đối với lớp 1, lớp 6, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện còn chỉ đạo các trường cho giáo viên lớp trên thực hiện nghiệm thu lớp dưới mà mình sẽ chủ nhiệm năm học tới.

           

Cũng cho rằng, cần thiết phải đánh giá học sinh đầu cấp, cô giáo Bùi Thị Hoàn, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Nà Ban, xã Hát Lót (Mai Sơn) cho biết thêm: Kiểm soát chất lượng ở từng khối lớp, trọng tâm là vào lớp 1, lớp 6 và đầu ra lớp 9, đảm bảo chất lượng xuyên suốt từ khối dưới lên khối trên và bàn giao học sinh có sự tiến bộ cho cấp học trên. Trước đây, học sinh của nhà trường tốt nghiệp THCS được vào học THPT chỉ khoảng 60%, hai năm học gần đây cao hơn hẳn, nhất là năm học 2019-2020 đạt tỷ lệ 74,5%.

           

Trách nhiệm quản lý và vai trò người thầy

           

Trước đây, trong ngành có câu chuyện khi chất lượng giáo dục trên địa bàn, đơn vị quản lý thấp thì không ít người có trách nhiệm, lý do: Trường vùng sâu, vùng xa, nhiều học sinh dân tộc thiểu số, thậm chí cho rằng do cấp học dưới, lớp học dưới để hổng kiến thức... Thông báo số 544/TB-SGDĐT ngày 16/9/2019 của ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La có nội dung kiên quyết là: “không đổ lỗi cho hoàn cảnh và người học”.

           

Dự giờ đánh giá chuyên môn giáo viên tại Trường Tiểu học Phổng Lập (Thuận Châu).

           

Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh: Chúng tôi quy rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục từ tỉnh đến huyện (Sở và Phòng GD&ĐT) người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục (Giám đốc Sở, trưởng các phòng của Sở, trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thành phố) và cơ sở giáo dục (hiệu trưởng, giám đốc các trung tâm) là cơ quan và người chịu trách nhiệm chính về chất lượng giáo dục của tỉnh, của huyện, của trường; đội ngũ giáo viên đóng vai trò then chốt trong công tác cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục.

           

Giải pháp của Sở Giáo dục và Đào tạo là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý qua việc xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng ISO IMS (ISO 9001:2015 và ISO 21001:2018); đầu tư phòng họp trực tuyến để triển khai giám sát việc dạy và tổ chức họp chuyên môn trực tuyến, sinh hoạt chuyên môn trực tuyến, dự giờ giáo viên trực tuyến (báo trước cho nhà trường 30 phút, cho giáo viên dạy trực tiếp 15 phút) các cán bộ, quản lý, giáo viên bộ môn toàn tỉnh tham gia dự giờ và rút kinh nghiệm toàn tỉnh.

           

Ngành Giáo dục và Đào tạo giao các đơn vị tự chủ trong việc giao chỉ tiêu chất lượng đối với từng môn ở khối lớp 10, 11 và thực hiện kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ theo đề của trường; riêng 3 môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh kiểm tra theo đề chung của Sở để kiểm soát chất lượng. Yêu cầu hiệu trưởng các trường công khai kế hoạch giáo dục, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, cùng Chủ tịch Công đoàn cơ sở ký giao ước thi đua với Giám đốc sở và Chủ tịch Công đoàn ngành về chất lượng giáo dục. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm tăng cường đôn đốc, quản lý chuyên môn, quản lý quá trình dạy học, sinh hoạt chuyên môn; kiểm soát chất lượng đối với các tổ chuyên môn.

           

Đồng tình với quan điểm trách nhiệm người đứng đầu, thầy giáo Phạm Minh Thế, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Châu, cho rằng: Chất lượng học sinh là sản phẩm của nhà trường, Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng của học sinh trong nhà trường. Mỗi cấp học, mỗi cán bộ, quản lý, giáo viên đều phải nỗ lực đổi mới nâng cao chất lượng dạy học, cấp học trên, giáo viên lớp học trên không được đổ lỗi cho cấp học dưới, lớp học dưới. Hiệu trưởng cũng phải tham gia giảng dạy, nắm chắc chuyên môn để chỉ đạo giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của Trường THPT Yên Châu ngày càng tiến bộ, năm học 2019-2020, có 100% học sinh lớp 12 bậc THPT của trường đỗ tốt nghiệp.

           

Nói về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hải, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ, chia sẻ: Cần phát huy vai trò người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, quản lý Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường trong việc tham mưu đảm bảo về cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học; tham mưu bố trí đầy đủ biên chế cho các trường; phát động triển khai hiệu quả các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; tăng cường kiểm tra, giám sát đánh giá chuyên môn giáo viên; giao chỉ tiêu chất lượng cho các trường làm căn cứ giao tới tổ chuyên môn và từng giáo viên.

           

Những chuyển biến tích cực

           

Với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La trong việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đã từng bước cải thiện chất lượng giáo dục của địa phương.

           

Sinh hoạt chuyên môn tại Trường TH&THCS Nà Ban, xã Hát Lót (Mai Sơn).

           

Chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông có sự chuyển biến, tiến bộ so với các năm học trước, nhất là cấp THPT và lớp 12. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020 đạt 95,74%, tăng 23,3% so với năm 2019 (cả nước 98,34%). Số lượng học sinh đăng ký tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh cấp THCS và THPT tăng cao so với năm học trước; số lượng và chất lượng giải, số lượng các đơn vị có học sinh giỏi tăng cao. Năm 2020, có 15/54 học sinh dự thi đoạt giải (2 giải nhì, 6 giải ba, 7 giải khuyến khích), đứng trên 23 tỉnh về số lượng giải.

           

Về giải pháp nâng cao tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng phân tích: Sở Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu chất lượng trên cơ sở kết quả của kỳ thi năm trước đối với từng trường, từng môn theo tiêu chí: Rút ngắn khoảng cách điểm thi từng môn so với trung bình các môn thi toàn quốc và rút ngắn khoảng cách điểm trung bình các môn thi với điểm trung bình cả năm học lớp 12 trong học bạ của học sinh.

           

Kết quả tốt nghiệp THPT năm 2020 có sự cải thiện tích cực, điểm trung bình các môn thi toàn tỉnh đạt 5,64 điểm, tăng 1,3 điểm so với năm 2019; khoảng cách điểm trung bình được rút ngắn so với điểm trung bình chung cả nước còn 0,7 điểm (năm 2019 là 1,09 điểm). Điểm trung bình cả năm lớp 12 (điểm học bạ) toàn tỉnh là 7,08 cao hơn điểm trung bình các môn thi 1,44 (Sơn La không nằm trong nhóm 10 tỉnh có điểm học bạ cao hơn điểm trung bình các môn thi từ 1,5 điểm trở lên). Trước đó năm 2019, điểm trung bình cả năm lớp 12 toàn tỉnh là 7,23 điểm, cao hơn điểm trung bình các môn thi 2,89. Điểm trong học bạ giảm xuống mà kết quả thi tốt nghiệp tăng lên so với năm trước, phản ánh chất lượng giáo dục có sự tiến bộ thực chất và việc giao chỉ tiêu chất lượng là đúng hướng, thúc đẩy các nhà trường tập trung nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh.

           

Những chuyển biến tích cực nêu trên là cơ sở để Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục, với phương châm nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng triển khai, đảm bảo sự phù hợp với thực tiễn và có hiệu quả. Khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục không chỉ riêng ngành Giáo dục và Đào tạo mà cần sự đồng thuận của xã hội với những giải pháp đúng và có những phản hồi mang tính xây dựng để có nền giáo dục thực chất, bền vững, giảm áp lực từ cả phía gia đình đối với con em mình.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới