Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, với đặc điểm nổi bật là “Tính thực tiễn” được thể hiện thông qua định hướng giáo dục STEM (tên viết tắt của 4 bộ môn: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).
Giáo dục STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến 4 lĩnh vực trên theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.
Nắm bắt được mục tiêu của Chương trình giáo dục mới, cùng với quan điểm “học đi đôi với hành”, ngay từ năm 2019, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà, giáo viên Trường TH, THCS, THPT Chu Văn An thuộc Trường đại học Tây Bắc đã tham gia các cộng đồng giáo viên, như “Cộng đồng giáo viên STEM”, “Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam”, “Lớp học sáng tạo”... để học hỏi và tích lũy kiến thức cho quá trình giảng dạy sau này; tham gia khóa tập huấn giáo viên STEM do Đại học VinUni tổ chức và đạt chứng nhận giáo viên STEM.
Ngay sau khi kết thúc khóa tập huấn, cô Hà đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch phát triển mô hình giáo dục STEM thông qua việc tổ chức hoạt động câu lạc bộ. Cùng với sự hỗ trợ của các thầy, cô giáo trong trường thành lập câu lạc bộ STEM cấp THPT, Trường TH, THCS, THPT Chu Văn An với 17 thành viên tham gia. Đây là sân chơi trí thức nhằm phát triển năng lực cho học sinh; phát huy tư duy sáng tạo, kỹ năng trao đổi và cộng tác làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, diễn đạt và thuyết trình, hùng biện, phản biện. Ngoài ra, cũng là nơi ươm mầm những ước mơ học tập và nghiên cứu khoa học.
Bước vào hoạt động, dù đã được thực nghiệm ở khóa tập huấn, nhưng câu lạc bộ (CLB) gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở vật chất còn thiếu; CLB đã kêu gọi từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ để phát triển, trong đó CLB đã nhận được sự tài trợ từ Đại học VinUni; các thành viên trong CLB đã tận dụng nguyên liệu tái chế từ các cửa hàng quảng cáo để làm một số mô hình sản phẩm thực hành trong các dự án STEM.
Tham gia một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ STEM của Trường TH, THCS, THPT Chu Văn An, chúng tôi được hòa mình vào không khí trẻ trung sôi nổi nhưng đầy đam mê nhiệt huyết của tuổi trẻ. Sau hơn 3 năm thành lập, CLB đã sáng chế ra những dự án, sản phẩm có tính ứng dụng cao phục vụ đời sống con người, như: Mô hình xe dò line; máy cảnh báo thân nhiệt và sát khuẩn tay tự động; hệ thống cảnh báo sương muối; vòng tay cảnh báo đuối nước; hệ thống bảo trợ tính mạng dành cho ô tô điện; mô hình xe khí cầu, son môi, nến nghệ thuật...
Bên cạnh đó, CLB cũng đã tham gia các cuộc thi KHKT và đoạt giải, như: Cuộc thi thiết kế xe đua không người lái - Cuộc thi VinFast F1 do Đại học VinUni tổ chức và đã đạt thứ hạng 28/100 đội tham gia. Cuộc thi “Kiến tạo tương lai cùng Samsung” và lọt vào top 20 dự án xuất sắc nhất cả nước. Tham gia cuộc thi “MOS - Vô địch tin học văn phòng” đoạt 1 giải ba, 3 giải khuyến khích cấp khu vực các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, 6 thành viên được nhận chứng chỉ MOS (chứng chỉ ứng dụng tin học quốc tế do Tập đoàn Microsoft chứng nhận). Giải đấu Robotic cấp quốc gia do tổ chức giáo dục Steam For Việt Nam và Trường đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức và đạt thứ hạng 14/49 đội tham gia...
Em Nguyễn Thị Minh Châu, Chủ nhiệm câu lạc bộ STEM, Trường TH, THCS, THPT Chu Văn An, nói: Em thấy vui nhất là tham gia CLB được tìm hiểu sâu về KHKT, càng nghiên cứu, khám phá, càng say mê hơn. Thay vì ngồi hàng giờ trên lớp để học lý thuyết của từng môn, giờ đây, dưới sự hướng dẫn của thầy cô, chúng em được học tập, trao đổi trực tiếp với bạn bè, thảo luận nhóm, làm việc nhóm, thuyết trình, biện luận, phản biện... Đó là những kỹ năng cần thiết cho tương lai.
Đặc biệt nhất trong hoạt động giáo dục STEM của CLB là các thầy, cô giáo sẽ tập trung cung cấp kiến thức nền tảng cho học sinh trong quá trình giảng dạy trên lớp, gợi mở cho các em những hướng phát triển sâu hơn trong ứng dụng kiến thức đó vào thực tiễn. Từ đó các em tự chủ động tìm tòi, lập nhóm để hình thành ý tưởng nghiên cứu phát triển thành dự án để mang đi tham dự các cuộc thi khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, để đẩy mạnh triển khai Chương trình dạy học STEM trong Trường TH, THCS, THPT Chu Văn An, từ năm học 2022-2023 các giáo viên giảng dạy bộ môn Khoa học tự nhiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai dạy học STEM trong giờ học buổi chiều cho học sinh trong toàn trường có niềm yêu thích với bộ môn KHTN. Đây là hoạt động học tập thực hiện theo kế hoạch xã hội hóa giáo dục của nhà trường từ kinh phí phụ huynh đóng góp cho các em học sinh tham gia học dưới hình thức tự nguyện.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết thêm: Dạy học STEM trong nhà trường là quá trình dẫn dắt học sinh đi từ lý thuyết đến thực hành, giúp các em vận dụng sáng tạo những kiến thức đã học tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Để STEM trong nhà trường đạt hiệu quả tốt, ngoài các điều kiện như ý tưởng đề tài, giáo viên hướng dẫn, cơ sở vật chất phục vụ dạy học... thì hình thức CLB STEM sẽ rèn cho học sinh khả năng làm việc nhóm, tạo ra sự tương tác, phát huy năng lực cá nhân cũng như trách nhiệm của mỗi học sinh đối với đề tài sáng kiến.
Sau hơn 3 năm hoạt động, cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình, tâm huyết của các thầy cô giáo trong trường, các thành viên trong CLB đã có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết để sáng tạo sản phẩm khoa học có tính khả thi và vận dụng cao trong đời sống. Câu lạc bộ STEM Trường TH, THCS và THPT Chu Văn An rất mong muốn tìm kiếm thêm nguồn hỗ trợ về mặt tài chính cũng như về kiến thức chuyên môn từ các chuyên gia để giáo dục STEM và Câu lạc bộ STEM của nhà trường sẽ đạt thành tích cao hơn trong học tập và sáng tạo KHKT.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!