Những năm qua, các trường học trên địa bàn Thành phố luôn tăng cường hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, tạo hứng thú cho học sinh khi đến trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố (GD&ĐT), cho biết: Phòng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho học sinh với phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Qua đó, nâng cao chất lượng công tác giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, lối sống cho học sinh, phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em qua các hoạt động ngoại khóa, diễn đàn, hội thi, hội diễn, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hàng năm tại các trường học.
Hoạt động ngoại khóa của Trường mầm non Ngôi Sao, Thành phố.
Các trường học đã chỉ đạo giáo viên lựa chọn nội dung giáo dục kỹ năng sống phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh và tình hình thực tế của địa phương; đổi mới phương pháp, lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Sinh học và các hoạt động giáo dục ngoài giờ, hoạt động trải nghiệm, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp lứa tuổi.
Đối với trẻ mầm non, giúp trẻ nhận thức về bản thân, hình thành và phát triển các kỹ năng xã hội cần thiết, kỹ năng ứng xử phù hợp với gia đình, cộng đồng, bạn bè và môi trường. Học sinh tiểu học hình thành kỹ năng giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, xây dựng tình bạn đẹp; kiên trì trong học tập; đúng giờ và làm việc theo yêu cầu, kỹ năng đồng cảm... tạo tiền đề cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất, học vấn và năng lực của học sinh.
Học sinh THCS, giáo viên giúp các em nhận thức về những việc cần thiết phải làm đối với cuộc sống của bản thân và ở lứa tuổi học sinh. Giáo dục các em tự phân tích, tổng hợp và giải quyết tình huống cụ thể; tạo điều kiện, động viên các em tham gia, hoạt động tốt công tác đội, đoàn, câu lạc bộ văn học, toán học, ngoại ngữ, hùng biện... Thường xuyên tổ chức hoạt động về nguồn, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho các em.
Bên cạnh đó, các nhà trường còn khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi kiến thức bổ ích tổ chức trực tuyến, như: Olympic tiếng Anh, trạng nguyên tiếng Việt, Đấu trường Toán học Vioedu, giải Toán qua mạng internet và các cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học... Từ các sân chơi tri thức, học sinh tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tế, rèn các kỹ năng giao tiếp, thuyết trình trước đông người, làm việc theo nhóm, ra quyết định, cách xử lý tình huống trong cuộc sống, nhằm khơi gợi khả năng tư duy sáng tạo, phát huy thế mạnh cá nhân của từng học sinh.
Thầy giáo Trần Văn Quý, Hiệu trưởng Trường THCS Chiềng Sinh, Thành phố chia sẻ: Hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đã giúp nhà trường kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm lý, phát hiện và xử lý sớm những mâu thuẫn, xung đột trong học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của trường.
Em Nguyễn Tùng Chi, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Nguyễn Trãi, cho biết: Tham gia các hoạt động ngoại khóa của nhà trường giúp em tự tin và có ý thức trong giao tiếp, ứng xử, tự lập và trưởng thành hơn. Em mong muốn nhà trường tổ chức nhiều sân chơi bổ ích cho chúng em tham gia.
Bên cạnh sự vào cuộc của ngành GD&ĐT, rất cần sự quan tâm, đồng hành của gia đình, tạo môi trường học tập, rèn luyện để các em học sinh có điều kiện phát triển kỹ năng sống đầy đủ, trưởng thành về mọi mặt, giúp các em trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!