Gian nan “gieo chữ” vùng cao

Huy động được gần 80% số trẻ trong độ tuổi đi học; duy trì sĩ số học sinh hằng ngày trên 70%; 139 học sinh bán trú đã có chỗ ăn, ở chu đáo... là thành công lớn của các thầy, cô giáo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Chiềng Ân (Mường La) trong những tháng đầu năm học 2015-2016. Tín hiệu vui đó khiến chúng tôi về Chiềng Ân để tìm hiểu sự học ở xã vùng cao còn nhiều gian khó này.

Một giờ học của lớp 7A, Trường Tiểu học và THCS Chiềng Ân (Mường La).

 

Cái nghèo níu cái khó

 

Dù đã được thông tin trước, nhưng chúng tôi cũng không nghĩ quãng đường từ xã Chiềng San vào xã Chiềng Ân lại gập ghềnh khó đi đến vậy. Chỉ 25 km mà chúng tôi trên con “chiến mã” đi mất hơn 1 giờ đồng hồ. Anh bạn đồng nghiệp luôn phải ghì chắc tay lái để lên, xuống con đường dốc đứng, mặt đường đoạn thì lổn nhổn đá, đoạn lại đất bụi mù; có đoạn nước chảy thành dòng trên mặt đường, ngập lưng bánh xe... Pha nước mời chúng tôi, ông Lò Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã trăn trở: Chiềng Ân có 94,1% đồng bào dân tộc Mông và 5,9% dân tộc La Ha. Tỷ lệ hộ nghèo cao (57,51%). Sự học ở Chiềng Ân gặp nhiều khó khăn, bởi cứ vào mùa làm nương rẫy hoặc thu hoạch ngô, lúa, các gia đình thường ở lại lán trên nương, vậy là con em họ cũng ở lại theo, dẫn đến tình trạng học sinh tiểu học nghỉ học theo mùa vụ; các em học bậc THCS có khi nghỉ học cả tuần ở nhà giúp bố mẹ việc nhà, làm nương rẫy. Còn có trường hợp bỏ học để kết hôn... Sau khi tốt nghiệp THCS một số gia đình không cho con ra Thị trấn học tiếp bậc THPT. Đây là bài toán khó mà Đảng ủy, UBND xã và các thầy giáo, cô giáo trong trường đã và đang đồng sức giải, nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn.

 

Để kiến thức đến với học sinh

 

Nằm trong một thung lũng, ngay phía dưới của trụ sở UBND xã, Trường Tiểu học và THCS Chiềng Ân có khuôn viên khá rộng, với hai dãy nhà lớp học được xây hai tầng, trong đó, 1 dãy nhà của bậc tiểu học gồm 6 phòng học và một dãy nhà của bậc THCS gồm 10 phòng học. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương tổ chức nấu ăn tập trung tại các trường phổ thông có học sinh bán trú, cùng với 20 triệu đồng của Công đoàn Giáo dục huyện hỗ trợ, nhà trường đã tham mưu với UBND xã vận động cán bộ, viên chức xã, giáo viên, phụ huynh đóng góp xây dựng nhà bếp cho học sinh từ năm học 2014-2015. Nơi ăn tập trung cho học sinh là sân trước cửa nhà ở bán trú của các em được lợp tôn, vừa mới khánh thành. Tại đó, các dãy bàn ăn được xếp ngăn nắp như trong lớp học, phía trước có một chiếc bàn để ti vi và một chiếc đầu đĩa. Thầy giáo Nguyễn Lương Xuyên, Hiệu trưởng nhà trường giải thích: Xếp bàn ghế như vậy để sau bữa cơm tối, từ 18 giờ đến 19 giờ, nhà trường mở ti vi và chiếu các bộ phim phù hợp với lứa tuổi cho các em xem để giải trí sau một ngày học tập.

 

Để huy động học sinh đến lớp đều và duy trì sĩ số, nhà trường đã thành lập các tổ vận động, thành viên là giáo viên chủ nhiệm và cán bộ lớp, duy trì hoạt động trong suốt năm học. Nếu có học sinh bỏ học, tổ vận động đến tận gia đình tìm hiểu nguyên nhân và thuyết phục gia đình cho con em trở lại trường. Có bản cách xa trường 32 km, trong thời gian cao điểm làm mùa vụ, hoặc sau nghỉ Tết, học sinh nghỉ học nhiều, các tổ vận động đã tranh thủ những buổi chiều không lên lớp đến từng gia đình học sinh để tuyên truyền, vận động các em trở lại lớp...

 

Thầy giáo Tòng Văn Biên, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A tâm sự: Nắm rõ khả năng tiếp thu của các em nên chúng tôi đã nghiên cứu phương pháp truyền thụ những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa để các em dễ nhớ, dễ tiếp thu nhất. Trong các giờ sinh hoạt lớp hằng tuần nêu gương những em chuyên cần học tập, qua đó khuyến khích, động viên các em tự giác học tập. Ngoài ra, để các em yêu trường mến lớp, gắn bó với thầy cô, bạn bè, nhà trường còn tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, như: Giao lưu văn nghệ, giao hữu các môn thể thao dân tộc; hướng dẫn các em cách phòng tránh ma túy học đường... Đối với 139 học sinh ở bán trú, các thầy giáo, cô giáo còn là người cha người mẹ thứ hai, dạy các em từ cách vệ sinh cá nhân, sắp xếp quần áo gọn gàng, cách ứng xử với bạn bè... Những khi có học sinh ốm đau, thầy cô lại túc trực chăm sóc ân cần như chăm lo cho con em của chính mình...

 

Tiếp xúc với các thầy giáo, cô giáo ở Trường Tiểu học và Trường THCS Chiềng Ân, cảm nhận rõ họ đang rất nỗ lực để “gieo chữ” nơi vùng cao gian khó này, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Trường có 38 giáo viên, 100% là giáo viên ở vùng khác về dạy. Do không có đủ chỗ ở nên 7 giáo viên phải thuê ở nhà dân; 4 cặp vợ chồng giáo viên tự mua gỗ, mượn đất của xã dựng nhà. Nước sinh hoạt khan hiếm, các thầy cô phải góp tiền mua đường ống dẫn nước cách 3 km về cho học sinh và giáo viên sử dụng... Dù vậy, các thầy giáo, cô giáo vẫn rất yêu nghề, tự học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng sư phạm. Hiện 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó 1 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 2 giáo viên dạy giỏi cấp huyện và 6 giáo viên dạy giỏi cấp trường.

 

Tín hiệu vui

 

Cùng thầy giáo Doãn Văn Trịnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường tham quan dãy nhà lớp học. Thầy Trịnh phấn khởi: Năm học 2015-2016 trường có 616 học sinh, trong đó 401 học sinh tiểu học và 215 học sinh THCS. Điều mừng là, năm học này đã huy động được gần 80% số trẻ trong độ tuổi đi học; duy trì sĩ số hằng ngày gần 70%, cao hơn năm học trước trên 10%. Đó là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Hơn nữa, việc có nhà ở bán trú, lại tổ chức nấu ăn tập trung cũng thu hút các em đi học đều hơn.

 

Em Tráng A Hộ, lớp 7A so sánh: Từ ngày được nhà trường tổ chức nấu ăn tập trung, em không còn phải lo nấu cơm sau mỗi buổi học, lại còn được ăn no, ngon hơn ở nhà, bữa nào cũng có thịt hoặc trứng rán. Giờ nghỉ học được chơi bóng đá, hằng ngày được xem ti vi... Hộ cười tươi: Bây giờ em không có ý định bỏ học nữa!

 

“Xuống núi đi học chữ. Đường về trường còn xa lắm đấy... Thầy cô đang mong chờ đón đàn em từ xa tới. Hôm nay đi học xa đường tương lai lại gần...” Tiếng hát cất lên từ khu nhà ở bán trú của học sinh nữ làm chúng tôi cảm nhận hơn sự nỗ lực của đội ngũ thầy, cô giáo nơi đây đang miệt mài “rèn chữ, rèn người” góp sức đào tạo những công dân tương lai có tri thức để xây dựng quê hương Chiềng Ân phát triển toàn diện.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới