Ghi ở Trường PTDT bán trú THCS Phiêng Cằm

Từ Quốc lộ 4G, vượt gần 30km đường đất ngoằn ngoèo, dốc cao, trơn trượt, chúng tôi có mặt tại trung tâm xã Phiêng Cằm (Mai Sơn). Ấn tượng đầu tiên về xã vùng cao này là trường học đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, nhiều lớp học đã được kiên cố hóa; chất lượng dạy và học nơi đây có nhiều chuyển biến rõ rệt.

 Học sinh Trường PTDT bán trú THCS Phiêng Cằm nhận cơm trưa sau khi tan học.

Đến thăm Trường PTDT bán trú THCS Phiêng Cằm, thầy giáo Mùa A Nanh, Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu: Trường có 14 lớp, 28 giáo viên, 448 học sinh. Do nhiều học sinh trong trường nhà cách xa hàng chục cây số nên trước đây, mỗi khi đi học các em thường phải mang theo gạo đủ cho vài bữa ăn. Vào những hôm trời mưa, đường rất khó đi, nên học sinh thường xuyên nghỉ học, nhiều trường hợp bỏ học giữa chừng. Một tuần có 6 buổi học, học sinh thường chỉ đi học 3, 4 buổi, rồi tự ý bỏ học do hết gạo! Có những buổi học một lớp vắng đến 2/3 học sinh. Từ khi tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh, tỷ lệ học sinh chuyên cần tăng, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực.

 

Qua câu chuyện với thầy giáo Mùa A Nanh được biết, tháng 10-2012, trường bắt đầu tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú. Năm đầu tiên tổ chức thực hiện gặp khá nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, phụ huynh vẫn chưa yên tâm gửi gắm con em tại trường. Năm học 2012-2013, toàn trường có 385 học sinh, tỷ lệ học sinh chuyên cần chỉ đạt 45%, học sinh được xếp loại khá chiếm 16,2% và không có học sinh xếp loại học lực giỏi. Năm học 2014-2015, sỹ số học sinh toàn trường tăng 14%, tỷ lệ chuyên cần đạt 70%, học sinh đạt học lực giỏi chiếm 0,67%, học lực khá chiếm 18,2%. Chuyển biến rõ rệt nhất là trong vài năm trở lại đây, năm học nào nhà trường cũng có học sinh giỏi cấp huyện, điều mà trước đây ở xã vùng cao không có; một số em bỏ học giữa chừng cũng đã đi học trở lại. Các thầy, cô giáo giờ không phải vất vả đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động các em đến trường. Học sinh được ăn bán trú tại trường đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh, đã có thêm thời gian cho việc học. Nhiều em tiến bộ vươn lên đạt thành tích cao. Em Khoa Thị Ninh, học sinh lớp 9C tâm sự: Nhà em ở bản Huổi Thướn, cách trường 20km; được ăn, nghỉ ở trường, đi học đều, giúp em tiếp thu bài giảng của thầy cô giáo đầy đủ hơn, em thấy hiểu bài hơn rất nhiều, năm nào em cũng là học sinh khá, giỏi. Năm ngoái được các thầy, cô giáo lựa chọn đi thi học sinh giỏi cấp huyện, em đạt giải khuyến khích, bố mẹ em cũng rất vui.

 

Hiện nay, trường có 373 học sinh bán trú, chiếm 83% số học sinh toàn trường. Khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, nhà trường đã bố trí 24 phòng ở cho học sinh bán trú. Xây dựng môi trường sinh hoạt tập thể nề nếp, kỷ luật dưới sự quản lý của các thầy cô giáo đã rèn luyện cho các em tinh thần tự giác học tập, yêu lao động sản xuất, biết chia sẻ và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hằng ngày, bữa ăn của các em do các cô nuôi chăm lo đầy đủ 3 bữa ăn sáng, trưa và tối, đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, nhà trường đã phát động thi đua làm vườn rau rộng 700m2, mỗi lớp đều tích cực tham gia trồng và chăm sóc vườn rau, góp phần cải thiện bữa ăn và rèn luyện tinh thần lao động cho các em. Tận dụng thức ăn thừa, trường huy động học sinh bán trú chăn nuôi từ 4-5 con lợn, tạo sản phẩm tại chỗ để cải thiện bữa ăn hằng ngày.

 

Trong công tác quản lý, tổ chức nấu ăn bán trú, trường đã có nhiều cách làm hay. Để đảm bảo nấu ăn đầy đủ cho gần 400 học sinh bán trú, trường được trang bị tủ hấp cơm công nghiệp. Thay vì sử dụng hệ thống đun gas, phải tiêu tốn chi phí 12 triệu đồng tiền gas/tháng và sử dụng tới 4 lò đun củi. Nhà trường đã sử dụng lò hơi, chỉ sử dụng 1 lò đun củi. Với cách làm này, mỗi tháng nhà trường tiết kiệm 12 triệu đồng tiền nhiên liệu gas và 3/4 lượng củi đun, một năm tiết kiệm trên 100 triệu đồng. Tổ chức chăn nuôi tăng gia sản xuất, trường đã xây dựng phương án giải quyết chất thải bằng phương pháp làm hầm khí sinh học biogas, vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho học sinh và tiết kiệm một phần chi phí về khí đốt.

 

Nhờ thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, giờ đây Trường PTDT bán trú THCS Phiêng Cằm đã đảm bảo sỹ số học sinh trên lớp, không còn tình trạng  học sinh bỏ học giữa chừng, tỷ lệ học sinh khá, giỏi của nhà trường năm sau cao hơn năm trước... Dẫu còn đó những khó khăn, nhưng thầy và trò nhà trường đang nỗ lực vượt qua, với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục nơi vùng cao khó khăn này.

 

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới