Đơn vị có nhiều sáng kiến kỹ thuật

Công ty Thủy điện Sơn La là một trong những đơn vị có nhiều sáng kiến đoạt giải cao tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật do tỉnh tổ chức, được áp dụng vào hoạt động của đơn vị, góp phần giảm chi phí sản xuất, vận hành Nhà máy thủy điện Sơn La an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho đơn vị và nộp ngân sách của địa phương.

 

 

Kỹ sư Đỗ Việt Bách hướng dẫn cán bộ kỹ thuật sử dụng phần mềm “vẽ đặc tính công suất của các nhà máy đồng bộ cực lồi”.

 

Đến thăm Công ty Thủy điện Sơn La những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận được khí thế thi đua lao động sôi nổi trong những ca sản xuất của cán bộ, công nhân viên. Từ khi thành lập đến nay, 2 nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu của Công ty cung cấp lên hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 12 tỷ kWh/năm, chiếm khoảng 7% tổng sản lượng hệ thống điện quốc gia. Đến ngày 11/10/2020, Công ty Thủy điện Sơn La đã cán mốc sản lượng phát điện 100 tỷ kWh.

 

Ông Khương Thế Anh, Giám đốc Công ty thủy điện Sơn La tự hào thông tin: Hưởng ứng phong trào thi đua của ngành phát động, đội ngũ cán bộ, kỹ thuật và công nhân đã phát huy tinh thần sáng tạo, đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn lao động, tối ưu hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành, đảm bảo mục tiêu sản lượng và chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, tăng hệ số tin cậy của tổ máy, tiết kiệm chi phí trong quản lý vận hành, làm lợi cho nhà nước hàng tỷ đồng. Nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của cán bộ, công nhân đoạt nhiều giải cao các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh.

 

Từ năm 2014 đến nay, Công ty có rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tế: 2 giải pháp được công nhận sáng kiến cấp Tập đoàn, đó là: “Tối ưu hóa lập lịch trực ca vận hành Công ty Thủy điện Sơn La”, “Giải pháp nâng cấp hệ thống hội nghị truyền hình kết nối đa nền tảng của Công ty Thủy điện Sơn La” và các sáng kiến tiêu biểu, như: “Chế tạo Module giám sát dòng Thyristor hệ thống kích từ tổ máy mang thương hiệu Made in Thủy điện Sơn La (CD_SLHPC Son La) thay thế Module giám sát dòng Thyristor nhập khẩu nước ngoài” của kỹ sư Vũ Văn Vương, nguyên Tổ trưởng Tổ kích từ, rơ le Phân xưởng Tự động. Với sáng chế này, kỹ sư Vương đã sử dụng các linh kiện điện tử, thiết bị trong nước, giá thành rẻ, thiết kế, chế tạo thành công Module giám sát dòng Thyristor hệ thống kích từ thương hiệu (CD_SLHPC Son La) đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật cao của thiết bị nhập khẩu nước ngoài. Sáng kiến đã được áp dụng vào thực tế đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đề ra, ít chịu ảnh hưởng của môi trường cũng như vị trí lắp đặt của thiết bị. Hoạt động tin cậy và ổn định hơn so với phương pháp thu thập từ trường trong không khí. Chủ động được thiết bị thay thế, không mất nhiều thời gian để đặt hàng mua thiết bị từ nước ngoài. Giá trị làm lợi năm đầu tiên áp dụng sáng kiến được tính đạt 1,8 tỷ đồng. Hay như sáng kiến “Nghiên cứu nghiệm đặc tính công suất của máy phát SF400-66/16470 Nhà máy thủy điện Sơn La với bản vẽ nhà thầu cung cấp. Viết phần mềm “Vẽ đặc tính công suất của các nhà máy đồng bộ cực lồi” của nhóm tác giả Đỗ Việt Bách và Khương Thế Anh. Với phần mềm này, đã giúp cho Nhà máy thủy điện chủ động trong việc đưa ra các giải pháp xử lý khi nào cần giảm tải, tăng tải với tần số phù hợp, góp phần tăng hiệu quả kinh tế mỗi năm làm lợi trên 50 tỷ đồng cho nhà máy... Vinh dự, tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh năm 2020, sáng kiến này đã được Ban tổ chức trao giải Nhất.

 

Qua các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, kỹ thuật và công nhân ngày một được nâng cao, dần làm chủ được dây chuyền công nghệ hiện đại, quản lý vận hành an toàn nhà máy. Năm nay, sản lượng điện phát của 2 nhà máy (Nhà máy thủy điện Sơn La, Nhà máy thủy điện Lai Châu) thuộc Công ty ước đạt 11,61/11,211 tỷ kWh; đạt 103% kế hoạch, nộp ngân sách Nhà nước 2.426 tỷ đồng, góp phần đưa Công ty Thủy điện Sơn La là đơn vị dẫn đầu về giá trị, tỷ trọng đóng góp vào ngân sách tại địa phương các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh Tây Bắc.

Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới