Góp ý về phương án thi THPT quốc gia năm 2017, GS.VS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đổi mới thi cử phải mang lại hiệu quả thiết thực, giảm tải áp lực, tốn kém cho học sinh và xã hội.
Đề cập đến vấn đề đổi mới kỳ thi sẽ gây khó khăn cho học sinh và giáo viên trong việc ôn thi, theo GS.VS Đào Trọng Thi, đổi mới khác với cải cách, đổi mới là một quá trình thường xuyên. Bởi vậy, việc đổi mới, điều chỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm là cần thiết, nhất là khi chúng ta đang triển khai Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Vấn đề là việc đổi mới, điều chỉnh cần đáp ứng những yêu cầu sau:
Thứ nhất, phải bám sát định hướng đổi mới, nhắm đến mục tiêu giáo dục là phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của học sinh; Thứ hai, phải có lộ trình hợp lý, đảm bảo tính khả thi và bền vững, tránh gây sốc cho học sinh và xã hội; Thứ ba, phải mang lại hiệu quả thiết thực, giảm tải áp lực và tốn kém cho học sinh và xã hội, kết quả thi khách quan làm căn cứ tin cậy để công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Phương án thi của Bộ GD&ĐT về cơ bản đã thể hiện tinh thần nêu trên. Tuy nhiên, Bộ cần lắng nghe thêm ý kiến của chuyên gia và người dân, cân nhắc chọn lọc những nội dung điều chỉnh thực sự cần thiết và thiết thực, chuẩn bị kỹ khâu đề thi, nhất là đối với các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN), khoa học xã hội (KHXH) và trắc nghiệm môn Toán.
Đánh giá về dự thảo phương án thi và tuyển sinh 2017 của Bộ GD&ĐT, GS.VS Đào Trọng Thi chia sẻ, việc bỏ loại cụm thi đại học, chỉ tổ chức một loại cụm thi địa phương là phù hợp với chủ trương tiến tới phân cấp hẳn việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các địa phương.
“Băn khoăn về tính trung thực, nghiêm túc trong các khâu coi thi, chấm thi tại cụm thi địa phương sẽ được khắc phục vì hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ Văn) sẽ được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm khách quan và được chấm tự động bằng phần mềm máy tính” – GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
GS.VS Đào Trọng Thi cũng cho hay, thông tin ban đầu chưa rõ về các bài thi tổ hợp KHTN và KHXH đã làm cho dư luận lo ngại vì liên tưởng đến các môn học tích hợp dự kiến trong chương trình giáo dục đổi mới mà học sinh chưa được học trong chương trình sách giáo khoa hiện hành.
Nhưng theo dự thảo phương án thi mà Bộ chính thức công bố thì năm 2017, các bài thi KHTN và KHXH mới chỉ là tổ hợp các câu hỏi về kiến thức của từng môn học riêng rẽ. Bởi vậy, hoàn toàn nằm trong phạm vi kiến thức của chương trình đang giảng dạy tại nhà trường.
Việc thiết kế bài thi tổ hợp các môn KHTN và KHXH là một điều chỉnh hợp lý nhằm khắc phục tình trạng học lệch, đồng thời là bước chuẩn bị hình thành các môn học tích hợp về các lĩnh vực này trong tương lai gần.
“Nhiều học sinh lo ngại hai bài thi tổ hợp sẽ làm tăng số môn học phải ôn tập trong khi các em đã ôn thi từ lâu theo các khối thi truyền thống. Thực ra, các em chỉ phải ôn thêm một môn cho hầu hết mỗi khối thi. Một số trường đại học băn khoăn rằng các bài thi tổ hợp có thể hạn chế tính chuyên sâu của các khối thi truyền thống. Nhưng thực tế, đối với bài thi tổ hợp, ngoài điểm chung của cả bài thi còn có điểm riêng của từng môn học và các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng các điểm riêng môn học đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn học theo nhu cầu” – GS.VS Đào Trọng Thi bày tỏ.
Cùng với đó, GS.VS Đào Trọng Thi cho hay, Bộ GD&ĐT dự kiến sử dụng ngân hàng đề thi chuẩn hóa do Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng, có điều chỉnh, bổ sung. Đây là các câu hỏi được thiết kế để phục vụ kỳ thi đánh giá năng lực, trong đó có nhiều câu hỏi có tính chất tích hợp. Bởi vậy, khi sử dụng, Bộ cần cân nhắc xác định và điều chỉnh độ khó phù hợp với năng lực thực tế của đông đảo học sinh vẫn còn đang học theo chương trình, sách giáo khoa hiện hành theo lối truyền thụ kiến thức của từng môn học riêng biệt./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!