Nhằm giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã chủ động đổi mới, sáng tạo phương pháp giáo dục, giảng dạy phù hợp với lứa tuổi mầm non và điều kiện thực tế của nhà trường, từng bước hình thành nhân cách và những kỹ năng cơ bản cần thiết cho trẻ lứa tuổi mầm non.
Học sinh Trường Mầm non tư thục Ngọc Linh (Thành phố) học cách chăm sóc rau xanh.
Theo quy định trong chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục kỹ năng sống là một trong những nội dung quan trọng, nhằm giúp các bé phát triển toàn diện cả về thể chất và nhận thức. Trong đó, hướng đến việc giáo dục, hình thành ở trẻ mầm non 7 nhóm kỹ năng cần thiết, gồm: Giao tiếp, tự bảo vệ, khám phá thế giới xung quanh, tự phục vụ, kiểm soát cảm xúc, thích nghi, làm việc nhóm. Giáo dục kỹ năng sống được phối hợp lồng ghép trong các giờ học hằng ngày và được xác định là một trong 5 nội dung trọng tâm của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Trước những thay đổi của cuộc sống hiện đại, phương pháp giáo dục kỹ năng sống tại các trường mầm non đã được giáo viên không ngừng đổi mới để phù hợp với thực tiễn, giúp các bé mầm non có thể tiếp nhận bài giảng một cách hiệu quả nhất.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quyết Thắng (Thành phố) cho biết: Chương trình giáo dục kỹ năng sống được đưa vào kế hoạch giảng dạy hằng ngày của trường, giáo viên là người định hướng, vận dụng linh hoạt trong từng giờ dạy để giáo dục nhận thức cho trẻ. Đồng thời, tận dụng từng giờ học và tạo cơ hội để trẻ được tiếp cận với các tình huống cụ thể trong thực tế, giúp các bé được trải nghiệm và hình thành những kỹ năng sống cơ bản nhất, như việc tự sắp xếp đồ dùng cá nhân gọn gàng, giữ vệ sinh thân thể, biết giúp đỡ bạn bè, xử trí những tình huống bất ngờ... Từ đó, dạy các bé thích nghi hoàn cảnh, biết cách tự bảo vệ bản thân, rèn những thói quen tốt.
Còn tại Trường Mầm non tư thục Ngọc Linh (Thành phố), chương trình giáo dục kỹ năng sống được đưa vào giảng dạy tại từng khối lớp với kế hoạch chi tiết, phù hợp lứa tuổi. Kết hợp cả việc giảng dạy lồng ghép trên lớp và tăng cường tổ chức các hoạt động thực tế, như: Để trẻ học cách tự phục vụ bản thân thông qua hoạt động làm bánh, tự pha nước hoa quả bằng nguyên liệu thật và thưởng thức sản phẩm do chính mình làm ra; tổ chức các hoạt động tập thể, vui chơi ngoài giờ để các bé học cách giao tiếp, kết nối bạn bè, biết phát huy tinh thần đồng đội. Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức cho các bé tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh; học tập lối sống kỷ luật tại doanh trại quân đội; trải nghiệm làm nông nghiệp... Cô giáo Đinh Thị Hậu, Hiệu trưởng, chia sẻ: Thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế, các bé học được những kỹ năng cần thiết đúng với lứa tuổi của mình, trẻ mạnh dạn, tự tin, thích khám phá, ham học hỏi, thích nghi tốt trong các môi trường, nhất là đối với các bé mẫu giáo lớn, trẻ được chuẩn bị tốt về tâm lý, thể chất, nhận thức để tự tin bước vào lớp 1.
Chị Hà Hồng Vân, tổ 14, phường Quyết Thắng (Thành phố) có con học tại Trường Mầm non tư thục Ngọc Linh, nói: Con tôi rất hào hứng với những buổi học mang tính trải nghiệm thực tế. Tôi thấy cháu tiến bộ nhiều, nhất là khả năng tự phục vụ bản thân, mạnh dạn trong giao tiếp, những điều này giúp cháu năng động hơn, thích đi học và hòa đồng với bạn bè, không bị bỡ ngỡ khi bước vào lớp 1.
Có thể thấy, những đổi mới trong giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non đã góp phần quan trọng để các bé được rèn luyện phát triển toàn diện, hình thành tính cách, phẩm chất tốt. Đây là tiền đề cần thiết cho những bước phát triển của trẻ trong tương lai.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!