Thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, tạo bước chuyển căn bản trong các hoạt động giáo dục trên địa bàn, ngành Giáo dục - Đào tạo Sơn La tiếp tục tập trung tạo những chuyển biến quan trọng trong công tác quản lý giáo dục, nền nếp, kỷ cương trường học, chất lượng giáo dục các bậc học.
Theo đó, ngành tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục của Đảng, Nhà nước, của tỉnh cũng như các giải pháp quản lý, đổi mới giáo dục. Đặc biệt, quan tâm thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực, hiệu quả công tác của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng, kỹ năng sống cho học sinh; xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh trong và ngoài nhà trường, phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học sinh.
Tiếp tục đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục ở tất cả các bậc học. Đối với giáo dục mầm non, duy trì bền vững kết quả và nâng cao phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, bảo đảm 100% trường mầm non hoàn thành tự đánh giá, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 9%, bảo đảm tất cả trẻ được học 2 buổi/ngày. Đối với giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp; chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, kỹ năng thực hành, nhất là đối với giáo dục dân tộc, vùng khó khăn...; đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả trung thực, khách quan theo hướng phát triển năng lực học sinh; triển khai hiệu quả Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, chuẩn bị các điều kiện phục vụ dạy tiếng dân tộc trong nhà trường phổ thông. Đối với giáo dục thường xuyên, củng cố kết quả xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ theo hướng mở, bền vững; nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời; thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013-2020” và “Xóa mù chữ đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Đối với giáo dục chuyên nghiệp, thực hiện tốt công tác quy hoạch và tuyển sinh các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; thực hiện tốt Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020; tăng cường quản lý Nhà nước về hợp tác quốc tế và chương trình, kế hoạch hợp tác đào tạo với các tỉnh Bắc Lào.
Rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, hoàn thiện hệ thống giáo dục, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2008-2020, định hướng đến 2030. Trong đó, tập trung hoàn thiện mạng lưới giáo dục mầm non, các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; quy hoạch đào tạo nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện phân luồng, hướng nghiệp sau bậc THCS, THPT và liên thông giữa các chương trình giáo dục, cấp học và trình độ đào tạo. Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển Trường THPT Chuyên giai đoạn 2014-2020; củng cố hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2015-2020; hoàn thiện mạng lưới trường THPT, PTDT nội trú huyện Vân Hồ; thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) đối với cấp THCS theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT; duy trì 76 trường học theo mô hình VNEN, nhân rộng mô hình ở 34 trường khác. Huy động 13,5% trở lên trẻ trong độ tuổi ra nhà trẻ, 95% trẻ mẫu giáo ra lớp, 99,9% trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo, 99,8% trẻ 6 tuổi vào lớp 1...
Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu, trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa; kiểm tra, đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn; rà soát, hoàn thiện các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến 2030. Phát triển đội ngũ tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán các bộ môn, giáo viên chủ nhiệm giỏi; nâng cao vai trò các tổ chức Đoàn, Đội, Hội, gia đình và cộng đồng trong quản lý, giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động cấp chứng chỉ, tuyển dụng, sử dụng, chế độ làm việc của đội ngũ giáo viên, giảng viên.
Tăng cường đổi mới cơ chế tài chính và các nguồn lực đầu tư; tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên đến 2020, nhà bán trú, công trình nước sạch và các điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập. Năm học 2015-2016 công nhận thêm 35 trường đạt chuẩn quốc gia (11 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 11 trường THCS và 2 trường THPT), 32 trường các bậc học đạt chuẩn quốc gia về chất lượng giáo dục. Duy trì 214 trường phổ thông nấu ăn cho học sinh bán trú; tiếp tục tổ chức nấu ăn ở 13 trường (9 tiểu học, 1 THCS, 3 THPT). Cùng với đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực xã hội phát triển giáo dục, nhất là giáo dục mầm non tại các địa phương vùng đặc biệt khó khăn.
Với những định hướng và bước đi đã xác định rõ, cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành đoàn kết, đồng thuận tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì và giữ vững kết quả trên các lĩnh vực, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ngay trên địa bàn tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!