Đổi mới hoạt động sinh hoạt chuyên môn trong các trường học

Từ đầu năm học đến nay, với việc tích cực triển khai hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo cụm của ngành Giáo dục huyện Sốp Cộp, đã và đang tạo ra nhiều chuyển biến tích cực đối với việc giảng dạy và học ở các bậc học trên địa bàn.

 

 

Một buổi sinh hoạt của tổ chuyên môn khối tiểu học Trường Tiểu học - THCS Sốp Cộp.

 

Bà Tòng Thị Quyên, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thông tin: Năm học 2020-2021, huyện Sốp Cộp có 19 trường học được chia thành 3 cụm sinh hoạt chuyên môn, tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp huyện 1 lần/học kỳ đối với từng cấp học. Nội dung các buổi sinh hoạt chuyên môn được các trường trong cụm xây dựng kế hoạch dựa trên các chủ đề hằng tháng hoặc những vướng mắc, những kinh nghiệm trong giảng dạy; qua đó, đảm bảo phù hợp với thực tế, đa dạng, phong phú. Để tránh dập khuôn, nhàm chán, sinh hoạt chuyên môn theo cụm được tổ chức dưới nhiều hình thức hội thảo về những nội dung giáo dục mới, giao lưu kết nghĩa, tổ chức hỗ trợ nhau thông qua các chương trình hoạt động ngoại khóa; luân phiên thay đổi địa điểm sinh hoạt chuyên môn tại từng đơn vị. Đồng thời, hướng dẫn, khuyến khích cán bộ, giáo viên sử dụng Website “Trường học kết nối” của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức quản lý, trao đổi, sinh hoạt chuyên môn qua mạng và học hỏi các sáng kiến, kinh nghiệm hay từ các địa phương khác.

 

Theo đánh giá, đa số các buổi sinh hoạt chuyên môn theo cụm đều có không khí sôi nổi, các cán bộ quản lý, giáo viên hăng hái tham gia đóng góp, bổ sung những ý kiến, những bài học kinh nghiệm, thảo luận sau tiết dự giờ, những khó khăn, vướng mắc trong dạy học cũng được chia sẻ, giáo viên rút ra kinh nghiệm để áp dụng và đổi mới phương pháp dạy học của bản thân, đơn vị trường.  Cô giáo Khúc Thị Thu Trang, Trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Nậm Lạnh cho biết: Mỗi tháng, chúng tôi tham gia sinh hoạt chuyên môn cấp trường 1 lần, sinh hoạt theo tổ chuyên môn 2 lần. Ngoài ra, chúng tôi còn đăng ký tài khoản trên website “Trường học kết nối” để trao đổi tài liệu giảng dạy, học tập các phương pháp, sáng kiến hay để áp dụng vào dạy học. Qua đó, chúng tôi có thể kết nối trực tuyến với thành viên trong tổ kể cả ngoài giờ làm việc nếu có vấn đề khúc mắc cần trao đổi, giải quyết.

 

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh lớp 1, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã định hướng các nội dung sinh hoạt chuyên môn cụm, hướng tới thay đổi nhận thức đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhất là giáo viên dạy lớp 1 về vai trò hướng dẫn của mình, để giúp học sinh tự nghiên cứu khám phá kiến thức bài học, giải đáp các thắc mắc trong công tác dạy học chương trình mới. Ở mỗi cấp học, hoạt động sinh hoạt chuyên môn từ cụm trường, trường và tổ chuyên môn trong trường đều được đổi mới, với nội dung tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số bậc tiểu học, mầm non; đổi mới phương pháp dạy học tích cực, lựa chọn thành tố tích cực của phương pháp VNEN vào dạy đại trà; dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới; dạy học phân hóa đối tượng bậc tiểu học, xây dựng phương pháp hướng dẫn tự nghiên cứu ở bậc trung học...

 

Cô giáo Quàng Thu Hà, giáo viên lớp 1A, Trường Tiểu học - THCS Sốp Cộp chia sẻ: Sau khi tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn ở cụm về nội dung đổi mới chương trình giáo dục, tôi đã xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với mục tiêu của chương trình, chú ý tích hợp kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm vào bài học để học sinh chủ động tiếp cận và trang bị thêm phương pháp dạy học để thử nghiệm, như việc sử dụng hiệu quả bộ học vần, cho học sinh tự ghép vần hoặc dùng các vật mẫu, đồ dùng trực quan. Đặc biệt tại các buổi sinh hoạt, những khó khăn, thắc mắc khi giảng dạy chương trình mới cho học sinh lớp 1 vùng dân tộc thiểu số được các thành viên cùng phân tích, đưa ra giải pháp phù hợp với thực tế. Qua đó, các em hào hứng tiếp thu bài học hơn và 100% hoàn thành các phẩm chất và năng lực theo yêu cầu chương trình học kỳ I.

 

Tuy nhiên, do thời gian sinh hoạt chuyên môn theo cụm chỉ gói gọn trong 1 buổi, trong khi có nhiều nội dung cần chia sẻ, nên một số nội dung phải trao đổi bằng văn bản đến các trường; sau tham gia sinh hoạt chuyên môn, khả năng ứng dụng kinh nghiệm, bài học của một số giáo viên, nhất là tại các trường vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; một số cán bộ quản lý, giáo viên còn chưa sử dụng thành thạo và thường xuyên Website “Trường học kết nối”. Thời gian tới, Phòng GD&ĐT huyện tập trung chỉ đạo các cụm đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt chuyên môn; khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, cởi mở chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp; tăng cường kiểm tra, đánh giá phương pháp dạy học của từng giáo viên sau buổi sinh hoạt chuyên môn. Đồng thời, tập huấn nghiệp vụ sử dụng Website “Trường học kết nối” trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn theo cụm, theo tổ cho cán bộ quản lý và giáo viên.

 

Không chỉ tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên chia sẻ kinh nghiệm xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh, hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo cụm còn đưa ra những giải pháp sáng tạo, hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn huyện.

Thu Hằng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới