Đổi mới công tác tư vấn tâm lý trong trường học

Tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông là nhằm giúp các em tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn trong học tập và cuộc sống, từ đó giúp việc học tập hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trên thực tế mức độ tiếp cận với hoạt động này của học sinh còn chưa nhiều.

Phòng tham vấn tâm lý học đường tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh Thẩm Anh)

Ðược thành lập từ năm 2018 và hoạt động khá hiệu quả nhiều năm qua, Ban tư vấn tâm lý học đường Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) thường xuyên theo dõi, nắm bắt tư tưởng, tâm sinh lý của học sinh để kịp thời giúp các em vượt qua các trở ngại. Ban tư vấn tâm lý học đường của trường có bảy thành viên, được phân công từng công việc cụ thể về hướng nghiệp; học tập, giao tiếp, ứng xử với gia đình, thầy trò, trên mạng xã hội, giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên...

Trường THPT Phúc Lợi còn lồng ghép các nội dung tư vấn tâm lý thông qua các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ hoặc tích hợp vào các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm. Thầy Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi cho biết, trường học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức mà còn hướng đến giáo dục nhân cách, giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. 

Cô giáo Phạm Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Nắm bắt được những vấn đề khó khăn của học sinh, từ năm 2011, Phòng tư vấn tâm lý Tuổi hồng của nhà trường chính thức đi vào hoạt động. Ðến năm 2022, phòng đã vận hành mô hình phòng tham vấn theo tiêu chuẩn 3C là: Chuyên môn, chuyên nghiệp và chuyên trách. Phòng thường xuyên hỗ trợ tư vấn, đồng hành cùng học sinh giải quyết các vấn đề từ áp lực học tập, các mối quan hệ, bạo lực học đường, tư vấn nghề nghiệp... Thông qua các hoạt động của phòng tư vấn như: Tọa đàm, ngày hội tham vấn, chương trình tập huấn, hoạt động ngoại khóa… giáo viên, học sinh và gia đình nhận thức rõ về sự tác động của giá trị tinh thần tới cuộc sống.

Trong nỗ lực trở thành bạn của học sinh, các chuyên gia phòng tư vấn cũng chủ động đổi mới, cập nhật các phương thức giao tiếp hiện đại của học sinh để gần gũi với các con hơn như qua mạng xã hội Facebook, Zalo. Các hoạt động của phòng được xây dựng chuyên nghiệp từ phòng ngừa đến trị liệu, can thiệp. Ðáng chú ý, toàn bộ các ca tham vấn đều được nhập trên phần mềm quản lý và gửi đến các bên liên quan thông tin mã hóa trong các trường hợp cần thiết. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư vấn học đường cũng tồn tại nhiều khó khăn. Cô giáo Nguyễn Kiều Trang, thành viên Ban tư vấn tâm lý học đường Trường THPT Phúc Lợi chia sẻ: Do thành phần tham gia Ban tư vấn học đường đều là kiêm nhiệm nên chưa được đào tạo chuyên sâu về tâm lý học, tâm lý lứa tuổi và kỹ năng tư vấn. Ngoài ra, cũng do thành phần của Ban tư vấn là các cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường nên bản thân học sinh cảm thấy e ngại khi chia sẻ những vấn đề của bản thân, nhiều em còn lo sợ bạn bè biết sẽ chê cười.

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, để công tác tâm lý học đường trong các trường phổ thông đạt hiệu quả, ngành giáo dục cần đẩy mạnh vai trò quản lý, bảo đảm chất lượng trong công tác tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục. Ðể nâng cao trình độ, đội ngũ làm công tác tư vấn kiêm nhiệm cần được tham gia các khóa tập huấn và được cấp chứng chỉ tương ứng do các cơ sở đào tạo có uy tín cung cấp dựa trên kiểm tra, đánh giá quá trình bồi dưỡng và kết quả đầu ra. PGS, TS Trần Thị Minh Hằng, giảng viên cao cấp, chuyên gia tâm lý, Học viện Quản lý giáo dục cho biết: Cần nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng các nhà tư vấn tâm lý trường học; tạo điều kiện về cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ cho những người làm công tác tư vấn trường học; tập trung nâng cao năng lực tư vấn cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, vì đây là những người gắn bó, thấu hiểu học sinh…

Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho biết, đã chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác tư vấn tâm lý trong trường học. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung ương Ðoàn, Hội đồng Ðội Trung ương, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam để triển khai các hoạt động hỗ trợ tư vấn tâm lý, trong đó chú trọng trợ giúp nhóm học sinh yếu thế. Về các cơ chế, chính sách, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng nghiên cứu, rà soát và đề xuất bổ sung, sửa đổi quy định hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.

Trong đó, ngành giáo dục nghiên cứu quy định rõ quy trình thực hiện công tác tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các bên liên quan; xem xét bố trí nhân viên làm công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông phù hợp điều kiện thực tiễn của các nhà trường… Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng chỉ đạo xây dựng và phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý trong trường học; đa dạng hóa các hình thức và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý trong trường học, phù hợp nhu cầu và bối cảnh xã hội; xây dựng tiêu chí hoạt động tư vấn tâm lý của các cơ sở giáo dục. Tiếp tục tăng cường tổ chức đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục để hướng tới chuyên nghiệp hóa đội ngũ này…

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới