Dạy trẻ mầm non mùa dịch

Trong thời gian tạm dừng nghỉ học trực tiếp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trường học đã nhanh chóng áp dụng hình thức học trực tuyến để đảm bảo chương trình năm học. Riêng với bậc học mầm non, việc lựa chọn hình thức truyền đạt những bài học phù hợp lứa tuổi trong thời điểm nghỉ dịch là điều không dễ dàng. Vậy nên, giáo viên các trường đã nỗ lực sáng tạo, kết nối chặt chẽ với phụ huynh để tìm cách dạy trẻ thích hợp nhất, giúp các bé học nhận biết và hình thành những thói quen, kỹ năng cần thiết.

Một bài giảng bằng video của giáo viên Trường mầm non Hoa Phượng (Thành phố).

 

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hầu hết các các trường mầm non trên địa bàn Thành phố đều đã tạm dừng việc đón trẻ đến trường do dịch bệnh. Các nhà trường đã áp dụng hình thức học gián tiếp, với sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh trong việc triển khai mỗi bài học. Cô giáo Khiếu Thị Luân, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng (Thành phố), cho biết: Nhà trường đã phân công giáo viên các khối lớp phối hợp xây dựng bài giảng hàng ngày bằng hình thức quay video theo chủ đề bài học và giao bài tập mẫu (vẽ tranh theo chủ đề, học thuộc bài hát, bài thơ, nhận biết cơ bản) gửi qua nhóm zalo của phụ huynh và đề nghị bố mẹ cho các con học theo. Sau đó, quay lại quá trình các trẻ học, chụp kết quả và gửi lại cho cô giáo. Thông qua đó, các giáo viên vẫn có thể biết được tình hình của trẻ khi nghỉ ở nhà và đánh giá sơ bộ khả năng tiếp nhận bài học của trẻ.

Nhiều trường mầm non trên địa bàn Thành phố áp dụng hình thức học gián tiếp trong thời điểm này. Đối với mỗi nhóm lớp, các cô sẽ dựa trên kế hoạch bài giảng để xây dựng bài học phù hợp lứa tuổi. Các khối chia ra từng “ekip” để dàn dựng video theo chủ đề, chủ điểm gần gũi với trẻ, cách thể hiện đa dạng, hình thức phong phú, nhiều hình ảnh trực quan, sinh động, liên tục đổi mới về chất lượng nhằm thu hút trẻ theo dõi bài giảng qua hình ảnh gián tiếp.

Cô giáo Đặng Thị Kim, giáo viên Trường mầm non Quyết Thắng, cho biết: Hằng ngày giáo viên vẫn phải đến trường, phân công thành từng nhóm, mỗi nhóm từ 3-4 cô, mỗi người một việc từ lên ý tưởng, xây dựng chủ điểm bài học, quay hình và dàn dựng để tạo các video có thời lượng ngắn vừa phải, nội dung súc tích và có khả năng hấp dẫn sự theo dõi của trẻ. Mỗi ngày một lĩnh vực, mỗi tuần 5 bài học được gửi đến phụ huynh mang tính định hướng trẻ nhận biết 5 kỹ năng cần thiết đối với bậc mầm non: ngôn ngữ, nhận thức, thể chất, tình cảm kỹ năng xã hội và thẩm mỹ.

Để các con tiếp cận tốt với bài học thì phụ huynh phải là người đóng vai trò hướng dẫn trực tiếp, phối hợp cùng trẻ thực hiện bài học và tương tác mỗi ngày với giáo viên. Vậy nên, các nhà trường đều phải tận dụng tối đa các kênh thông tin để trao đổi với phụ huynh. Cập nhật hoạt động trên fanpage của nhà trường, kết nối qua nhóm Zalo của mỗi lớp. Qua đó vừa nắm được tình hình của trẻ khi ở nhà, vừa để thông tin tới phụ huynh những nội dung mới, trao đổi bài học của trẻ mỗi ngày.

Chị Phạm Diệu Thúy, tổ 2, phường Chiềng Cơi, hiện đang có con học mầm non, chia sẻ: Thời gian nghỉ dịch, bố mẹ phải sắp xếp thời gian để vừa đi làm vừa chăm sóc con. Mỗi ngày khi nhận được bài học trên nhóm Zalo phụ huynh, bố mẹ cố gắng cùng con học, thực hiện yêu cầu mà cô giáo giao. Ban đầu bé không chịu hợp tác nhưng dần dần thành quen. Có những bài học mà bố mẹ cùng con chịu khó đầu tư thời gian, cùng học rồi quay hình, cắt ghép, lồng nhạc, tạo video “trả bài” có hình ảnh sống động, bé rất thích thú. Cũng nhờ thế mà gia đình có thêm những niềm vui nho nhỏ mỗi ngày.

Các bé không đến trường trong thời gian dài không chỉ khiến phụ huynh gặp trở ngại về việc cất nhắc người trông coi hàng ngày, mà còn lo lắng con sẽ bỏ lỡ thời gian để được rèn luyện về nhận thức. Thông qua hình thức học gián tiếp, dù thời lượng không nhiều, nhưng mỗi ngày, trẻ vẫn được tiếp cận với những bài học nhỏ, ý nghĩa, giúp các bé không quên “nhiệm vụ” của mình và rèn thói quen tốt cần thiết và phù hợp với lứa tuổi.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới