Nhìn lại năm qua, ngành khoa học và công nghệ Sơn La đã có những chuyển động tích cực, nhiều nghiên cứu khoa học tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp cơ sở khoa học cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thêm gam màu sáng vào bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra tiến độ thực hiện Đề tài “Bảo tồn và phát triển giống xoài tròn ở Yên Châu mang chỉ dẫn địa lý”.
Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 nhằm phấn đấu “Xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững”. Ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tập trung xây dựng và triển khai cụ thể hóa các nội dung chương trình hành động, bằng việc tập trung nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Một trong những đổi mới việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong năm qua chính là việc vận hành theo cơ chế đặt hàng đối với các đề tài, dự án khoa học, đây là giải pháp quan trọng gắn khoa học với thực tiễn, góp phần giải quyết tình trạng nhiều đề tài nghiên cứu đã được nghiệm thu nhưng thiếu tính ứng dụng. Năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 39 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, gồm 30 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2019 sang, 9 nhiệm vụ mới phê duyệt. Trong đó có 31 đề tài, 2 dự án sản xuất thử nghiệm cấp tỉnh, 5 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi nhóm Trung ương quản lý, 1 đề tài cấp thiết địa phương (cấp Quốc gia).
Các nhiệm vụ KH&CN đang triển khai và nghiệm thu tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (chiếm 70% tổng số nhiệm vụ được triển khai) đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, tiêu biểu như: Đề tài cấp Quốc gia “Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển sản xuất nhãn bền vững tại Sơn La và một số tỉnh phía Bắc”; Đề tài “Trồng thử nghiệm một số giống táo (Ziziphus mauritania Lamk) mới có năng suất cao, chất lượng tốt tại Sơn La”; Đề tài “Bảo tồn và phát triển giống xoài tròn Yên Châu mang chỉ dẫn địa lý”... đã lựa chọn được các giống cây trồng phù hợp, xây dựng quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó chuyển giao cho người dân sản xuất trên diện rộng.
Đồng chí Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, phấn khởi thông tin: Dấu ấn trong năm qua là Sở Khoa học và Công nghệ đã khai thác và đưa vào sử dụng Khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông, lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu với tổng diện tích 3,5 ha, gồm 8 nhà kính, nhà lưới, được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, đảm bảo đáp ứng tốt việc triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN. Tại đây, Sở đã triển khai 3 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, gồm: Mô hình trồng cà chua, mô hình trồng nấm hương và mô hình trồng nho đen không hạt giống Cựu Phong. Hiện nay, Sở đang triển khai xây dựng phương án liên kết với các viện nghiên cứu, các trường Đại học, doanh nghiệp để triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tại đây, thông qua việc triển khai thực hiện các mô hình sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao tiến bộ KH&CN tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Cùng hòa mình vào dòng chảy khoa học công nghệ năm qua, các hoạt động trên từng lĩnh vực, như: Quản lý công nghệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, sở hữu trí tuệ, quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng... năm qua tiếp tục có những bước tiến mới. Đặc biệt, năm 2020 tỉnh ta có thêm 3 sản phẩm của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ bao gồm: Mận Sơn La; Chanh leo Sơn La; Rau an toàn Sơn La nâng tổng số sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ của tỉnh lên 21 sản phẩm; 2 sản phẩm (Chè Shan Tuyết và Xoài tròn Yên Châu) được bảo hộ tại thị trường Châu Âu theo cam kết tại Hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu).
Đón năm mới với cơ chế đổi mới về đặt hàng, hướng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ bám sát nhiệm vụ của tỉnh, sẽ góp phần đắc lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đưa tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!