SL - Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chủ trương mở chiến dịch chống nạn mù chữ, tiêu diệt “giặc dốt”, coi đó là nhiệm vụ cấp bách thứ 2 trong 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng.
Sau giải phóng Sơn La năm 1952, đến năm 1954, cả tỉnh mới có 1 trường trung học phổ thông, liên xã mới có 1 trường phổ thông liên cấp 1 và cấp 2. Năm 1959, sau khi Bác Hồ lên thăm đồng bào các dân tộc Khu tự trị Thái - Mèo, trước thực trạng thiếu trường, lớp, giáo viên, với khoảng 15.000 trẻ em theo học lớp vỡ lòng và 35.000 người lớn đang bổ túc văn hóa, rất cần những giáo viên có trình độ, năng lực ở miền xuôi lên với đồng bào để nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh. Một cuộc vận động lớn được phát động, kêu gọi giáo viên miền xuôi lên phát triển giáo dục miền núi. Tháng 9/1959, đã có hơn 800 giáo viên miền xuôi xung phong lên Tây Bắc (thế hệ giáo viên này được gọi với cái tên thân thương là giáo viên năm 59). Với tinh thần nhiệt huyết, ai cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ dạy học ở bất cứ địa bàn nào, từ vùng thấp đến vùng cao, bà con các dân tộc nô nức đưa con em đến trường học chữ.
Là một trong 5 giáo viên của huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương xung phong lên Tây Bắc công tác năm 1959, cụ Vũ Đình Nhuần, nguyên Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Sơn La, hiện đang ở tổ 3, phường Tô Hiệu, Thành phố. Năm nay đã 92 tuổi, nhưng cụ còn minh mẫn. Nhớ lại ký ức những ngày đầu lên Sơn La, cụ Nhuần kể lại: Năm 1959, tôi đang là Hiệu trưởng của Trường phổ thông cấp 1 xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã vận động ông Vũ Phương Chuyền cùng huyện viết đơn xung phong lên Tây Bắc. Những ngày đầu lên Sơn La, tôi được phân công về giảng dạy tại xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu. Thời điểm ấy, Chiềng Bôm chưa có trường, tôi huy động thêm 2 giáo viên người bản địa lên lớp, chia làm 3 điểm dạy học, khu trung tâm gồm lớp vỡ lòng, lớp 1 và lớp 2 do tôi phụ trách; hai khu còn lại giao cho 2 giáo viên khác đảm nhiệm dạy lớp vỡ lòng. Cơ sở vật chất khó khăn, nhà lớp học vách nứa, lợp gianh, bàn ghế là những mảnh ván ghép lại, riêng bảng đen phải 2 tháng sau vào học mới có; lớp học đầu tiên có trên 52 học sinh. Buổi tối chúng tôi mở lớp “bình dân học vụ”, xóa mù chữ cho thanh niên, phụ nữ.
Nhà giáo Ưu tú Trần Luyến, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, khi đó vừa tròn 19 tuổi, quê Bình Lục, tỉnh Hà Nam, chia sẻ: Tôi được phân công dạy tại xã Chiềng Muôn, huyện Thuận Châu, ở xã khi ấy đã có trường cấp 1 hoàn chỉnh. Để tổ chức dạy học, giáo viên cùng bà con địa phương đã lấy tranh, tre, nứa, lá để làm lớp học, bàn, ghế... tuy khó khăn nhưng phong trào học tập rất sôi nổi. Lúc bấy giờ, số lượng người mù chữ đông, để việc dạy xóa mù chữ hiệu quả, chúng tôi có nhiều biện pháp để khuyến khích toàn dân học chữ, phát động thanh niên địa phương viết chữ lên các gốc cây trong rừng để bà con quên ở đâu thì có thể học ở đó, người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, nên tỉ lệ người biết chữ được nâng lên. Thêm nữa, chúng tôi lập các nhóm đố chữ ở cổng chợ, ai đọc được chữ thì được mời qua cổng, ai chưa biết chữ sẽ được vận động đi học chữ.
Tự hào sau 70 năm giải phóng, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Sơn La đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cho địa phương, đất nước, tạo nền móng vững chắc phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Sơn La phát triển nhanh, xanh và bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!