Đào tạo nguồn nhân lực ở các trường nội trú

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Trong đó, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) trên địa bàn tỉnh được đầu tư khang trang, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc, góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng là tạo nguồn cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số.

                                 

Giờ học vi tính của cô và trò Trường PTDT nội trú tỉnh.

           

Chúng tôi đến thăm Trường PTDT nội trú tỉnh, nơi đào tạo bậc trung học phổ thông cho học sinh người dân tộc thiểu số của các địa phương trong tỉnh. Trên khuôn viên rộng hơn 77.000 m², cơ sở vật chất nhà trường, từ nhà công vụ giáo viên, lớp học, đến phòng ăn, ký túc xá được xây dựng kiên cố; các lớp học được trang bị đầy đủ các thiết bị, đồ dùng dạy và học. Nhà trường còn có phòng thí nghiệm, phòng thư viện phục vụ giảng dạy và tìm hiểu kiến thức; sân chơi, sân thể thao, vườn cây, tạo môi trường vui chơi lành mạnh cho học sinh sau mỗi buổi học.

           

Thầy giáo Nguyễn Danh Tân, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, cho biết: Hằng năm, nhà trường đào tạo gần 600 học sinh dân tộc thiểu số đến từ các huyện và Thành phố. Để giúp học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, nhà trường đã tập trung thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua: “Dạy tốt - Học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy học”, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý; chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

           

Với bề dày truyền thống, Trường PTDT Nội trú tỉnh luôn giành được thành tích cao trong dạy và học. Năm học 2019-2020, toàn trường có 97% học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt; 60% học sinh học lực khá, giỏi; toàn trường đã có 19 học sinh đạt giải nhì, ba, khuyến khích cấp tỉnh ở các môn: Toán, Văn, Tiếng Anh, Vật Lý, Hóa, Sinh học, Lịch sử, Địa lý; kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 100%; 94/194 học sinh đạt điểm xét đại học từ 21 điểm trở lên, nhiều em đạt  trên 26 điểm khối C; trên 25 điểm khối A,B,D.

           

Nằm trong hệ thống trường PTDT nội trú ở các huyện, Trường PTDT nội trú THCS&THPT Mường La cũng là điểm sáng về công tác đào tạo học sinh dân tộc thiểu số. Với phương châm "đẩy mạnh giáo dục toàn diện cho học sinh, vừa dạy chữ, vừa dạy người, xây dựng môi trường học tập lành mạnh, thân thiện, phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, chắp cánh ước mơ cho học sinh vùng cao", Trường đã tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ để thực hiện phương pháp dạy học tích cực, thiết kế chương trình dạy học thành các hoạt động thực hiện trên lớp và ngoài lớp học. Mỗi cá nhân có ít nhất 2 tiết dạy được cả tổ dự giờ góp ý theo pháp tích cực, lồng ghép tích hợp giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết pháp luật, tăng cường vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết thực tiễn cuộc sống. Nhờ đó, kỳ 1 năm học 2020-2021, toàn trường có 53% học sinh đạt khá, giỏi; trên 97% học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt. 

           

Nhìn lại công tác đào tạo nguồn nhân lực cán bộ dân tộc thiểu số, mới thấy hết sự quan tâm của tỉnh. Hằng năm tỉnh quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường PTDT nội trú; chỉ đạo các địa phương bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu về diện tích đối với trường học và tính đặc thù của trường chuyên biệt; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia củng cố, phát triển hệ thống trường PTDT nội trú; bổ sung thiết bị dạy học, giáo dục, nuôi dưỡng học sinh nội trú.

           

Trước đây toàn tỉnh chỉ có 1 trường PTDT nội trú tỉnh và 11 trường THCS nội trú cấp huyện. Từ năm 2018, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án nâng cấp 11 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS lên THCS&THPT nội trú các huyện. Nhờ vậy đến nay, toàn tỉnh đã có 11 trường nội trú đào tạo cấp học từ lớp 6 đến lớp 12 với tổng số 4.223 học sinh cấp huyện (7-8 lớp)/trường; cấp tỉnh 597 học sinh (18 lớp/trường). Hiện nay, 8/12 trường nội trú trong tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia.

           

Đồng chí Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường PTDT nội trú đã được bố trí đầy đủ theo quy định. Các trường nội trú luôn nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục, dạy học. Công tác giáo dục văn hóa dân tộc, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh được quan tâm; hiệu quả công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường ngày càng được nâng cao.

           

Với những nỗ lực trong công tác giáo dục và đào tạo, những năm qua, các trường PTDT nội trú trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng tự hào. Hàng năm, có 97% số học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt; 63% học sinh đạt học lực khá, giỏi. Học sinh các trường PTDT tốt nghiệp THPT thi đỗ vào đại học, cao đẳng và trung cấp đạt tỷ lệ trên 60% và trở về địa phương công tác đã phát huy vai trò lãnh đạo, quản lý; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên rõ rệt. Quan trọng hơn là bổ sung nguồn cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cấp, ngành, địa phương. Đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số ở các xã gắn bó và gần gũi với nhân dân, hiểu rõ phong tục, tập quán, đã biết vận dụng những kiến thức được học vào giải quyết công việc nên đạt hiệu quả cao, nhất là trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Qua số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện  có 25.783 cán bộ, công chức, viên chức các cấp, trong đó, có 13.480 cán bộ người dân tộc thiểu số, chiếm 52%.

           

Nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT tỉnh, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh được củng cố, phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, ngày càng phát huy vai trò tích cực, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ cho các địa phương vùng DTTS, vùng miền núi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới