Đảm bảo chất lượng giáo dục và phòng, chống hiệu quả dịch bệnh COVID-19

Theo kế hoạch, ngày 17/2 (tức ngày mồng 6 Tết), hơn 357.400 học sinh từ bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT (công lập, dân lập, tư thục) trên địa bàn tỉnh đi học. Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh đã có Công văn số 427, ngày 16/2/2021 cho học sinh tiếp tục nghỉ học đến khi có thông báo mới. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT xung quanh việc phương án tổ chức học cho học sinh trong điều kiện mới, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

 

 

Phóng viên Báo Sơn La phỏng vấn ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

 

PV: Thưa ông, trước diễn biến của dịch Covid-19, ngành Giáo dục - Đào tạo đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo việc dạy và học của giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh như thế nào?

 

Ông Nguyễn Văn Chiến: Trước thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, Sở GD&ĐT đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh, chỉ đạo cho học sinh các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập trên địa bàn tỉnh dừng đến trường học để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 1/2/2021 đến hết ngày 16/2/2021.

 

Tuy nhiên, sau khi hết thời gian nghỉ này, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 427/UBND-KGVX ngày 16/2/2021 về việc tiếp tục cho học sinh, sinh viên và học viên nghỉ học phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường học trong toàn tỉnh tiếp tục nghỉ học từ ngày 17/2/2021 để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trong toàn tỉnh, cũng như thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

 

PV: Để đảm bảo chương trình học, Sở GD&ĐT tỉnh đã chỉ đạo các trường học thực hiện phương án về dạy và học như thế nào? Đặc biệt là tại các trường ở vùng sâu, vùng xa?

 

Ông Nguyễn Văn Chiến: Nằm trong phương án dự phòng khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và phải dừng đến trường, với phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Sở GD&ĐT đã có Công văn số 240/SGDĐT-GDTrH&GDTX ngày 31/1/2021 về việc khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong và ngoài trường học; trong đó, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn giáo viên, học sinh chuyển sang học online, qua mạng internet tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ hỗ trợ cho việc dạy và học; chỗ nào không học online thì giao nhiệm vụ cho học sinh qua email, zalo...; cho học sinh đăng ký để chủ động trong kế hoạch dạy học của nhà trường (như dạy học qua internet, giao các phiếu bài tập về nhà...), chủ động khai thác các trang mạng về học trực tuyến để giới thiệu và hướng dẫn học sinh như olm.vn, hocmai.vn, tuyensinh247.com, vuihoc.vn...

 

Mặt khác, Sở GD&ĐT cũng hướng dẫn các đơn vị trong việc chủ động thực hiện phương án tổ chức dạy học trong trường hợp học sinh dừng đến trường do phòng, chống dịch COVID-19 tại Công văn số 262/SGDĐT-GDTrH-GDTX; trong đó, yêu cầu các nhà trường chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên tổ chức nghiên cứu nội dung, hình thức giao bài cho học sinh ôn tập tại nhà đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị; khuyến khích các trường phổ thông có cấp THPT sử dụng các chuyên đề ôn thi do Sở GD&ĐT xây dựng để giao bài cho học sinh.

 

Sở GD&ĐT đã định hướng, hướng dẫn cụ thể các nhà trường chỉ đạo xây dựng chương trình và thực hiện dạy học trực tuyến khi có việc dừng đến trường dài ngày. Hiện nay, Sở đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các nhà mạng, trong đó có Viettel tổ chức cài đặt và sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến K12.online tới các nhà trường nhằm đa dạng hình thức dạy học, khuyến khích các nhà trường nếu đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất thì triển khai thực hiện.

 

Do điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng việc dạy học trực tuyến của tỉnh rất khó khăn, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa, Sở khuyến khích các nhà trường trước mắt trong thời gian đầu dừng đến trường tiếp tục tăng cường hình thức hướng dẫn học sinh tự học, giao bài cho học sinh bằng nhiều hình thức phù hợp, đảm bảo học sinh không quên kiến thức cũng như phù hợp với học lực chung của học sinh. Đây cũng là khoảng thời gian rất cần thiết để các thầy, cô hướng dẫn, giao bài ôn tập củng cố kiến thức đã học cho học sinh, từ đó giúp học sinh tiếp thu tốt kiến thức mới khi tiếp tục đến trường. Đối với những địa phương không có internet, các trường phân công giáo viên đến các bản giao bài và thu bài tập nộp của học sinh và có giải pháp riêng phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi đơn vị trường học.

 

PV: Hiện nay, các phụ huynh lo ngại khó đảm bảo chất lượng khi dạy và học học online, ngành GD&ĐT có giải pháp gì để bảo đảm chất lượng giáo dục?

 

Ông Nguyễn Văn Chiến: Khi tạm dừng học ở trường thì việc học của học sinh rất cần sự hỗ trợ tối đa của các cấp, các ngành về cơ sở vật chất, sự giám sát, quan tâm hỗ trợ của toàn xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh học sinh để các em có thể thực hiện tốt các nội dung dạy học của ngành Giáo dục - Đào tạo đề ra.

 

Trước mắt, Sở GD-ĐT tỉnh tiếp tục chỉ đạo các nhà trường, thầy cô tổ chức hướng dẫn học sinh tự học, củng cố kiến thức thông qua hình thức giao bài. Nội dung tự học bao gồm việc hệ thống kiến thức cơ bản, bài tập tương ứng với các bài học để học sinh củng cố kiến thức đã học hoặc các chuyên đề ôn tập, các dự án học tập dưới dạng văn bản, bản trình chiếu, video... Đối với học sinh lớp 12, nội dung tự học là các chuyên đề ôn tốt nghiệp cho học sinh tự ôn tập, đề bài cho học sinh tự luyện. Khuyến khích các nhà trường chỉ đạo giáo viên sử dụng các chuyên đề theo từng môn do đội ngũ cốt cán THPT cấp tỉnh xây dựng.

 

Chỉ đạo các nhà trường giao các tổ/nhóm chuyên môn lập danh mục các nội dung học tập trọng tâm của từng môn học để giao cho học sinh; kiểm soát nội dung, chất lượng của tài liệu học tập; đề xuất cách thức để học sinh định kỳ nộp sản phẩm học tập, câu hỏi cần giải đáp cho giáo viên phụ trách môn học hoặc giáo viên chủ nhiệm; kiểm soát việc tự học của học sinh. Lấy điểm thường xuyên thông qua sản phẩm học tập của học sinh. Qua đó tăng thêm tính chủ động, tích cực và tự giác học tập của học sinh.

 

Trong thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Sở tiếp tục phối hợp với các nhà mạng hỗ trợ về dung lượng, phần mềm dạy học để mỗi học sinh, phụ huynh có thể tiếp cận tối đa, từ đó góp phần tiếp tục cải tiến chất lượng giáo dục.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Thư (Thực hiện)

 

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới