Cùng chung tay vì một trường học không bạo lực học đường

Nhiều thầy cô giáo là hiệu trưởng nhà trường, rất trăn trở khi nói về vấn nạn học đường đã và đang xảy ra ngày càng nhiều. Khi xây dựng trường học hạnh phúc, sẽ tiếp tục giảm thiểu và dần đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường.

Học trò trường mầm non Ngọc Lan, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng trải nghiệm làm việc nhỏ có ích.

Học trò trường mầm non Ngọc Lan, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng trải nghiệm làm việc nhỏ có ích.

Trách nhiệm không chỉ từ phía thầy cô giáo, nhà trường, xã hội mà hơn hết là gia đình phải là chân rễ của vấn đề. Tất cả phải chung tay để đồng hành và bảo vệ học sinh, cả phía học sinh bị bạo lực và học sinh có hành vi bạo lực, để chữa lành tổn thương trong tâm hồn các em.

Trong khuôn khổ của hội thảo Thay đổi vì một trường học hạnh phúc do VTV7 và Cục nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức tại Đà Nẵng trong 2 ngày 24 và 25/9, với sự tham gia của 400 hiệu trưởng đến từ 50 tỉnh thành trên toàn quốc, vấn nạn bạo lực học đường đã làm nóng các phiên thảo luận.

“Bạo lực học đường tại Việt Nam mới ở giai đoạn bắt đầu”

Giáo sư Peck Cho (Đại học Korea - Hàn Quốc) - Cố vấn giáo dục của chính phủ Hàn Quốc cho biết, bạo lực học đường ở Việt Nam nếu so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu thì mới đang ở giai đoạn bắt đầu và những năm tiếp theo nó sẽ còn tồi tệ hơn.

Ông nhấn mạnh: Bạo lực học đường hiện nay là vấn nạn đang rất nghiêm trọng. Dựa vào kinh nghiệm của mình, tôi muốn nói là không có giải pháp nào dễ dàng với vấn nạn này. Bạo lực học đường ở Việt Nam nếu so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu thì các bạn mới đang ở giai đoạn bắt đầu và tôi nghĩ những năm tiếp theo nó còn tồi tệ hơn nữa. Vậy nên, thời điểm này chúng ta phải làm ngay bây giờ, hãy làm những điều có thể kể cả những điều nhỏ nhất

Trả lời câu hỏi đến từ đâu và đâu là nguyên nhân, GS Peck Cho phân tích, vấn nạn bạo lực học đường do những tổn thương các trẻ mang đến trường. Những tổn thương ấy có thể xảy đến ngay cả khi các em còn là những đứa trẻ nhỏ. Khi những đứa con trong thời gian phát triển không thể kết nối được với cha mẹ và mất kết nối sâu sắc, mất niềm tin, lo lắng… khi chúng lớn dần lên thì bắt đầu thể hiện những vấn đề liên quan đến rối loạn tổn thương về tâm lý.

Khi những đứa con trong thời gian phát triển không thể kết nối được với cha mẹ và mất kết nối sâu sắc, mất niềm tin, lo lắng… khi chúng lớn dần lên thì bắt đầu thể hiện những vấn đề liên quan đến rối loạn tổn thương về tâm lý.

GS Peck Cho

“Vậy nên, bạo lực học đường không phải vấn nạn ở trường, không phải vấn đề của trường học mà nó là vấn đề quốc gia. Và tất cả những nhà giáo dục chúng ta cần có những kiến thức để thuyết phục được Chính phủ hành động và tất cả mọi người trong xã hội đều phải coi trọng vấn đề này để hành động, vì học sinh và bảo vệ học sinh”, GS Peck Cho nêu rõ.

GS Hà Vĩnh Thọ - người sáng lập Học Viện Eurasia vì Hạnh Phúc và An Lạc chia sẻ, khi chúng ta nghe vấn nạn bạo lực học đường, một điều tự nhiên đó là chúng ta thông cảm với nạn nhân và phán xét người bắt nạt đó là phản ứng thường rất tự nhiên.

"Thế nhưng, chúng ta cần phải nhận thức rằng thực chất người đi bắt nạt cũng là người cần được giúp đỡ, bởi vì sự mỏng manh, đau khổ mà người đó đang trải qua được biểu hiện một cách không được khéo léo. Cách mà họ đang biểu hiện là tiếng khóc, tiếng gọi tôi cần được giúp đỡ. Nếu phản ứng bằng cách trách phạt, la mắng hay làm tội với người ức hiếp thì chỉ châm thêm dầu vào lửa, làm sự khổ của các em leo thang" - GS Hà Vĩnh Thọ phân tích.

"Vậy nên, chúng ta phải luôn luôn giữ trong đầu kẻ bị bạo hành hay kẻ ức hiếp cả hai đều là nạn nhân, đều cần được hỗ trợ. Và thầy cô giáo chính là người đầu tiên, để các em có thể san sẻ và cũng là người đầu tiên đứng ra bảo vệ các em" - GS Hà Vĩnh Thọ nói.

Cùng chung tay vì một trường học không bạo lực học đường ảnh 1

Cô và trò trường mầm non Ngọc Lan, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng trong giờ học kỹ năng.

Xây dựng trường học hạnh phúc, đẩy lùi bạo lực học đường

GS Hà Vĩnh Thọ nhấn mạnh “Bạo lực học đường nó không diễn ra ở tầm một cá nhân mà mang tính hệ thống cấu trúc… Vậy nên việc chúng ta tạo ra một hệ sinh thái hạnh phúc đó là học sinh giáo viên, nhà trường quản lý nhà trường và cả chính quyền nữa thì đó là cách duy nhất để có thể giải quyết gốc rễ vấn đề và các thầy cô là hạt giống của hệ sinh thái đó”.

Trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo này, nhiều thầy cô giáo đều trăn trở trước vấn nạn học đường, không chỉ từ phía học sinh với học sinh, mà còn cả thầy cô giáo với học sinh. Vấn đề đặt ra là cần tìm được “mầm mống” của vấn nạn này. Chỉ bằng cách thay đổi cách tiếp cận, thay đổi môi trường giáo dục dạy-học trong nhà trường bằng cách xây dựng trường học hạnh phúc, nơi người thầy và học sinh được rút ngắn khoảng cách, sẻ chia và thấu hiểu nhiều hơn.

Thầy giáo Hà Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Ân Nghĩa (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình) thẳng thắn nói rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường hiện nay mà một trong những lý do khá lớn là do hoàn cảnh gia đình, bố mẹ ly hôn, việc quản lý của ông bà, cha mẹ khó khăn. Học sinh có tâm lý lứa tuổi mới lớn, dễ đi theo bạn bè. Cùng với việc thời gian gần đây, mạng xã hội Facebook, Tiktok phát triển như vũ bão. Nhiều bạn trẻ thấy người khác đăng tải hình ảnh, clip đánh nhau nên cũng muốn bắt chước, thể hiện mình.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường hiện nay mà một trong những lý do khá lớn là do hoàn cảnh gia đình, bố mẹ ly hôn, việc quản lý của ông bà, cha mẹ khó khăn. Học sinh có tâm lý lứa tuổi mới lớn, dễ đi theo bạn bè. Cùng với việc thời gian gần đây, mạng xã hội Facebook, Tiktok phát triển như vũ bão.

Thầy giáo Hà Anh Tuấn

“Để hạn chế tối đa bạo lực học đường, nhà trường thường xuyên tuyên truyền, kết hợp với các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là tổ chức Đội thiếu niên tiền phong, hội cha mẹ học sinh tuyên truyền nhằm hạn chế nạn bạo lực học đường" - thầy Tuấn nói.

"Hiện toàn trường có gần 1.400 học sinh, chúng tôi có đội sao đỏ từng khối lớp theo sát và từ lớp 3 trở lên. Mỗi khối lớp như vậy sẽ thành lập các chi đội khoảng 3 em. Trường lập ra đường dây nóng, khi có hiện tượng, biểu hiện bạo lực học đường sẽ gọi ngay vào số điện thoại này hoặc trực tiếp giáo viên chủ nhiệm", thầy Tuấn cho biết.

Thông qua hội thảo lần này, thầy Tuấn cũng mong muốn áp dụng nhiều ý tưởng trường học hạnh phúc vào nhà trường để giảm bớt về bạo lực học đường trong nhà trường. Trường tạo ra nhiều hoạt động để gắn kết giữa giáo viên và học sinh; học sinh và học sinh nhằm hướng đến trường học hạnh phúc.

Trong khi đó, cô giáo Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay bạo lực học đường đang diễn ra ngày càng phức tạp trên các trường học. Nguyên nhân kể đến do học sinh mọi lứa tuổi tiếp xúc công nghệ sớm, thiếu sự quan tâm sâu sát của phụ huynh. Trong khi đó học sinh chưa nhận thức được các hành vi của mình.

“Hiện nay trường không xảy ra các vụ nổi cộm rõ vấn đề bạo lực học đường mà vấn đề học sinh lớp 4, 5 thì có những hành vi xô đẩy học trò và chen lấn và khi học sinh quay sang không có phản ứng liền như xin lỗi thì đấy cũng là biểu hiện của bạo lực học đường trong nhà trường" - cô Yến nói.

"Phía nhà trường là bậc giáo dục tiểu học, chúng tôi mong rằng những cách tiếp cận xây dựng trường học hạnh phúc, thân thiện, sẽ từng bước giúp các em học sinh chăm ngoan, vâng lời. Cũng hy vọng phía phụ huynh cùng nhà trường sát sao trong việc quản lý, chăm sóc các em, để cùng chia sẻ, phối hợp để ngăn chặn vấn đề bạo lực học đường”, cô Yến đề xuất.

Cô giáo Đồng Thị Thúy, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Trần Văn Thọ (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), chia sẻ: Tại trường chưa xảy ra vụ việc bạo lực học đường nào nhưng khi chứng kiến các vụ việc bạo lực học đường trên các phương tiện thông tin, báo chí, bản thân là một nhà giáo, một quản lý, tôi rất buồn.

"Để xây dựng một môi trường giáo dục-dạy học hạnh phúc, tôi nghĩ mình sẽ vận dụng những điều được chia sẻ từ hội thảo này để có thể làm một điều gì đó, thay đổi, truyền tải đến thầy cô giáo để dạy cho các em học sinh phải biết yêu thương đoàn kết lẫn nhau. Thầy cô giáo cần tôn trọng học sinh và ngược lại" - cô Thúy chia sẻ.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới