Sau 3 năm triển khai thực hiện chủ trương tổ chức nấu ăn tập trung tại các trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh theo Kết luận số 956-KL/TU ngày 6/1/2014 của Ban Thường vụ tỉnh ủy, Thường trực Công đoàn ngành Giáo dục đã tích cực phát động phong trào giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho các trường còn khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú.
Đoàn công tác của LĐLĐ tỉnh, Công đoàn ngành Giáo dục và Công đoàn Giáo dục Mai Sơn
kiểm tra công tác nấu ăn cho học sinh tại Trường PTDT bán trú THCS Tà Hộc.
Công đoàn ngành tham mưu, phối hợp với Ban Giám đốc ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện và tổ chức nhiều đoàn công tác trực tiếp đến các đơn vị trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có đông học sinh để nắm bắt thực tế, cùng đơn vị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Đến năm học 2015-2016, toàn tỉnh hiện có 229 trường học tổ chức nấu ăn tập trung tại trường cho 27.541 học sinh; được trang bị tối thiểu dụng cụ nhà bếp phục vụ cho công tác nấu ăn. Trong 3 năm học qua, các đơn vị đã tiếp nhận hơn 15.380 tấn gạo, thực hiện cấp phát cho học sinh diện chính sách; bố trí 689 nhân viên nấu ăn, 224 nhân viên bảo vệ và y tế; công đoàn ngành đã phát động cán bộ, nhà giáo và người lao động quyên góp ủng hộ các trường tổ chức nấu ăn bán trú được trên 2,2 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6/2016, đã có 1.655 phòng ở bán trú học sinh (làm mới 159 phòng), 224 nhà bếp (làm mới 19 nhà), 65 nhà ăn, 304 nhà vệ sinh, 163 trường học có nước sinh hoạt thường xuyên, 428 giường tầng; ngoài ra các trường còn mua sắm một số dụng cụ phục vụ cho nấu ăn như xoong nồi, tủ lạnh, máy lọc nước, ti vi... đã góp phần từng bước tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường nấu ăn tập trung bán trú. CĐCS các trường đã phối hợp với chuyên môn tổ chức hướng dẫn học sinh làm vườn rau, chăn nuôi. Đến nay, 213/229 trường học có vườn rau, cơ bản tự túc được rau xanh; ngoài ra còn nuôi lợn, nuôi gia cầm, vừa cải thiện bữa ăn hằng ngày, vừa góp phần giáo dục kỹ năng sống, ý thức lao động cho học sinh. Chỉ tính trong năm học 2015-2016, các trường đã trồng, thu hoạch được 56.665 kg rau xanh các loại, nuôi 2.269 con gia cầm, 102 con lợn... Cùng với chăm lo bữa ăn cho học sinh bán trú, BCH công đoàn các đơn vị trường học còn tích cực phối hợp với chuyên môn làm tốt công tác quản lý học sinh, đảm bảo công tác an ninh, trật tự; hướng dẫn học sinh học và tự học, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; tăng cường rèn luyện kỹ năng sống và các hành vi ứng xử cho học sinh.
Việc tổ chức triển khai thực hiện nấu ăn tập trung tại các trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh đã cho thấy hiệu quả rõ rệt: tỷ lệ học sinh học tại các trường học ở các xã tăng; cơ bản khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng; học sinh được ăn nghỉ tập trung tại trường nên các trường có điều kiện tăng cường tổ chức phụ đạo học sinh yếu, kém. Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng, học sinh yếu kém giảm; học sinh còn được chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng tốt hơn, được giáo dục kỹ năng sống nên tinh thần đoàn kết, hòa đồng, tập thể được nâng cao, thể chất học sinh phát triển tốt hơn...
Trao đổi với bà Cầm Thị Mai Phượng, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục, được biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song trong quá trình triển khai tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú, nhiều trường học đã có những cố gắng đáng ghi nhận, thể hiện sự tận tâm, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động; tiêu biểu như tại Trường THCS Nà Mường (xã Nà Mường, Mộc Châu), dù học sinh chỉ được hưởng chế độ 460.000đồng/học sinh/tháng (không được hỗ trợ gạo 15kg/tháng) nhưng các thầy cô giáo vẫn tổ chức nấu ăn cho các em 3 bữa/ngày. Giáo viên các trường thực hiện theo mô hình bán trú thì ngoài giờ đứng lớp còn tham gia chăm lo bữa ăn và quản lý, trông coi cho học sinh... Hay một số trường khó khăn về nước sinh hoạt, các thầy cô giáo phải làm đường ống dẫn nước từ trên đỉnh núi về dùng, nhiều lúc xảy ra “sự cố”, các thầy giáo lại mất cả buổi lần theo đường ống để khắc phục...
Hiệu quả của việc nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú đã thấy rõ. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thực hiện vẫn còn có những khó khăn, bất cập, nhất là về cơ sở vật chất, kho chứa gạo, nhà ở bán trú, bếp ăn, công trình vệ sinh, hệ thống nước sinh hoạt... Nhiều trường thiếu nước sinh hoạt nên việc triển khai tăng gia sản xuất, trồng rau xanh gặp khó khăn; hàng hóa, lương thực, thực phẩm tại chỗ không có mà chủ yếu phải vận chuyển từ huyện, dẫn đến giá cả cao hơn rất nhiều, gây khó khăn cho việc cân đối thực đơn hằng ngày cũng như chất lượng bữa ăn cho các em học sinh...
Để việc thực hiện chủ trương nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú đạt hiệu quả cao, năm học 2016-2017, Công đoàn ngành GD&ĐT tiếp tục tham mưu, phối hợp với ngành chỉ đạo việc duy trì và củng cố, nâng cao công tác quản lý, chất lượng, hiệu quả của 229 trường đã tổ chức nấu ăn bán trú, triển khai nấu ăn tập trung thêm cho 3 trường là Trường Tiểu học Chiềng Hoa B, Tiểu học Chiềng Hoa C và Trường Tiểu học Pi Toong 1 (huyện Mường La), nâng số trường thực hiện nấu ăn bán trú lên 232 trường. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện tốt việc dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh bán trú. Triển khai tổ chức nấu ăn tập trung bán trú gắn với xây dựng trường học thân thiện, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật trong nhà trường. Tiếp tục vận động cán bộ, công chức, giáo viên, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, nhân dân giúp đỡ ủng hộ kinh phí, vật chất cho các trường tổ chức nấu ăn tập trung bán trú.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!