Ngày 10/1, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ và Phó Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Steffi Stallmeister đồng chủ trì cuộc họp khởi động đoàn hỗ trợ kỹ thuật cuối kỳ của WB với Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP).
Theo báo cáo, cho đến nay, cơ bản Chương trình ETEP đã hoàn tất 95% khối lượng công việc. 5% còn lại, chủ yếu là nhiệm vụ xây dựng hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) để bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, mà ETEP đã thôi dùng ngân sách để thực hiện và chuyển sang xã hội hóa.
Cụ thể, kết quả thực hiện các nhiệm vụ từ tháng 7 đến tháng 12/2021, nhiều hạng mục đạt kết quả tích cực, vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, chỉ số phát triển năng lực của các trường đại học sư phạm tham gia ETEP đều đạt trên 5, vượt mức cam kết của trường trong thỏa thuận thực hiện chương trình. Cơ sở giáo dục sư phạm tham gia ETEP đã hoàn thành các hoạt động của 3 chương trình tăng cường năng lực do chuyên gia quốc tế thực hiện; từ đó tạo tác động tích cực đến quản trị, phát triển chương trình đào tạo của trường.
Số lượng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán tham gia và hoàn thành chương trình bồi dưỡng đều vượt chỉ tiêu kiểm đếm được giao trong thỏa thuận thực hiện, ở tất cả các modul. Số lượng giáo viên, cán bộ quản lý đại trà hoàn thành chương trình bồi dưỡng thông qua hệ thống công nghệ thông tin cũng cao hơn chỉ tiêu, ở 5/6 modul. ETEP dự kiến, hết tháng 3/2022, tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý đại trà hoàn thành 5 modul bồi dưỡng sẽ lên tới 110%.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định, ETEP là chương trình rất quan trọng, đặc biệt khi Việt Nam đang thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao những hiệu quả và tác động tích cực ban đầu mà ETEP tạo ra đối với cơ sở đào tạo sư phạm cũng như các trường phổ thông. Ông mong muốn, sau đợt đánh giá kỹ thuật này và chuẩn bị cho việc đóng dự án, WB sẽ mở tiếp chương trình mới để hỗ trợ giáo dục Việt Nam phát triển, đáp ứng yêu cầu của đất nước và phù hợp với xu thế của thời đại.
Ghi nhận những kết quả đạt được của chương trình và nỗ lực của các đơn vị tham gia, Phó Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Steffi Stallmeister đồng thời chỉ ra một số thách thức mà ETEP phải đối mặt trong thời gian tới để bảo đảm tiến độ đến tháng 6/2022 sẽ “đóng” chương trình. Bà Steffi Stallmeister cũng nhấn mạnh yêu cầu tập trung duy trì bền vững các kết quả tốt đẹp mà ETEP đã tạo ra cho các trường sư phạm, trường phổ thông, từ đó giúp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.
Tại cuộc họp, đánh giá tác động của Chương trình ETEP đối với sự phát triển của các trường sư phạm chủ chốt, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Hiền đặc biệt tâm đắc với những lợi ích thiết thực mà ETEP mang lại cho trường về năng lực cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin. Điều này mang lại hiệu quả tức thì với quá trình đào tạo của trường, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19.
Chia sẻ về hiệu quả của Chương trình ETEP với ngành giáo dục địa phương, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, Bùi Xuân Tiệp cho biết: Chương trình đã mang lại giá trị rất lớn cho việc nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, đặc biệt là trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Kết quả dạy học lớp 1 năm học 2020-2021 và kết quả kiểm tra học kỳ I lớp 1, 2, 6 vừa qua cho thấy, hoạt động bồi dưỡng đã nâng trình độ của giáo viên lên rõ rệt. Nhờ việc bồi dưỡng trực tuyến mà năng lực công nghệ thông tin của giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng sâu vùng xa, được nâng cao. Điều này vô cùng hữu ích khi toàn ngành phải linh hoạt dạy học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!