Với sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhiều công trình trường, lớp học trên địa bàn huyện Yên Châu đã được đầu tư xây dựng khang trang, từng bước khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại các xã vùng cao, biên giới.
Tỉnh Đoàn Sơn La phối hợp với các đơn vị tài trợ bàn giao công trình "Trường đẹp cho em" tại Điểm trường Bó Kiếng, Trường tiểu học Tà Vài, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu.
Đến với điểm trường tiểu học Chiềng Đông A, bản Na Pản, xã Chiềng Đông, có trên 200 học sinh, 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi thật ấn tượng với khuôn viên sạch đẹp, rộng rãi, những vườn hoa, thảm cỏ luôn rực rỡ, xanh tốt; vào trong các lớp học, sẽ thấy đây là một cơ sở giáo dục đầy đủ trang thiết bị không kém ở các vùng trung tâm. Trước đây, điểm trường có 7 phòng học nhưng trong đó 3 phòng học đã xuống cấp, 4 phòng học tạm đều là những căn nhà ván gỗ, vách đất, quanh năm mưa dột. Cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện giảng dạy, học tập của thầy cô và trò rất khó khăn.
Chứng kiến những khó khăn của thầy trò nơi đây, các nhà hảo tâm và nhóm kiến trúc sư tại Hà Nội đã tích cực làm cầu nối, kêu gọi vận động ủng hộ kinh phí hơn 1 tỷ đồng để hỗ trợ nhà trường cải tạo, xây dựng. Sau 4 tháng thi công, các lớp học của điểm trường Chiềng Đông A được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng năm học mới. Điểm đặc biệt là ngôi trường được xây bằng gạch tự đóng, với vật liệu phụ trợ là hàng vạn viên sỏi đủ hình dạng, kích thước trông rất bắt mắt, độc lạ.
Thầy giáo Lưu Thế Huy, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Những viên sỏi để xây các lớp học là do bà con dân bản tình nguyện xuống suối nhặt và chuyển lên điểm xây dựng. Lúc đầu bà con còn chưa hiểu, nhưng sau thấy từng bức tường sỏi được xây lên thì vô cùng thích thú, huy động cả bản ra góp sức xây dựng. Mọi người còn vui thích hơn khi lớp học được đưa vào sử dụng đã thể hiện rõ khả năng điều hòa thời tiết. Mùa đông lớp học ấm hơn, mùa hè thì mát hơn so với nhiệt độ ngoài trời. Từ khi có ngôi trường mới, việc dạy và học của cô trò được đảm bảo, tỷ lệ học sinh đến lớp thường xuyên được duy trì, chất lượng giáo dục cải thiện rõ rệt.
Giống điểm trường tiểu học Chiềng Đông A, điểm trường Bó Mon thuộc Trường Mầm non Sao Mai, xã Tú Nang, cũng được xây dựng nhờ sự huy động từ nguồn xã hội hóa. Điểm trường có trên 60 trẻ từ 3 - 5 tuổi, đều là con em dân tộc Mông, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Trước khi chưa xây điểm trường, các thầy cô giáo nơi đây phải mượn kho ngô của bà con trong bản để các con học tạm, mỗi lần mưa gió, cô và trò đều phải dắt nhau đi trú ở lớp tiểu học cách đó gần 1km.
Sau 6 tháng vừa lên ý tưởng vừa thi công, đầu năm 2020, điểm trường Bó Mon hoàn thành đưa vào sử dụng, với 2 phòng học, có thiết kế mái hiên uốn lượn mềm mại, thoáng mát, hành lang có nhiều không gian để trồng cây xanh, hoa và làm nơi vui chơi cho học sinh. Tất cả những vật liệu được chọn để thi công ngôi trường đều thân thiện với môi trường, có trọng lượng nhẹ và thiết kế dạng sóng, không bị ăn mòn, nóng và ồn những ngày mưa gió.
Ông Thào A Sềnh, bản Bó Mon, chia sẻ: Từ ngày điểm trường mới được xây dựng, không chỉ cô, trò mà phụ huynh ai cũng phấn khởi. Trường được xây dựng khang trang, tôi và bà con trong bản yên tâm gửi gắm con em cho thầy cô, không còn thấp thỏm lo lắng mỗi khi mưa, bão đến nữa.
Điểm trường Bó Mon thuộc Trường Mầm non Sao Mai, xã Tú Nang, huyện Yên Châu được xây dựng khang trang.
Ngoài hai công trình trường, lớp học trên còn có rất nhiều công trình trên địa bàn huyện Yên Châu được xây dựng từ sự huy động đóng góp, lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, đầu năm học vừa qua, từ nguồn kinh phí được trích từ quỹ đóng góp của Đoàn thanh niên Công an tỉnh và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, 3 công trình “Trường đẹp cho em” đã được triển khai xây dựng tại 3 điểm trường khó khăn của huyện Yên Châu, gồm: Điểm trường Đin Chí, Trường Tiểu học Chiềng Tương; điểm trường Huổi Pù, Trường Mầm non Bình Minh, xã Chiềng Đông và điểm trường Pa Sang, Trường Mầm non Hòa Bình, xã Sặp Vạt, với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng giúp giáo viên và trên 100 học sinh tại các điểm trường có điều kiện giảng dạy và học tập tốt hơn.
Cùng với đó, huyện Yên Châu đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục, trường học xây dựng kế hoạch công tác xã hội hóa giáo dục, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các nhà trường chú trọng tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện tại các cơ sở giáo dục; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, phát triển giáo dục. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ công tác xã hội hóa để hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường sư phạm thân thiện.
Một tiết học của cô và trò điểm trường Bó Mon.
Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, đến nay cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn huyện Yên Châu được đầu tư kiên cố, khang trang. Toàn huyện hiện có trên 98% phòng học kiên cố, bán kiên cố và chỉ còn gần 2% phòng học tạm; các phòng chức năng, phòng bộ môn, phòng ở nội trú bán trú cho học sinh, phòng công vụ cho giáo viên, phòng thư viện, bếp ăn bán trú cũng được quan tâm đầu tư xây dựng. Qua đó, đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục toàn diện của huyện; tỷ lệ trẻ mẫu giáo ra lớp chiếm 99,9%; trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 100% hoàn thành chương trình giáo dục mầm non; 100% số trẻ 6 tuổi vào lớp 1; công tác dạy và học có nhiều chuyển biến, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Với sự chung tay, góp sức hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện và nhân dân đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, những ngôi trường mới, khang trang trên địa bàn huyện Yên Châu tiếp tục được xây dựng để chắp thêm ước mơ đưa “con chữ”, kiến thức đến gần hơn với trẻ em vùng sâu, vùng xa, giúp các em nơi đây có một tương lai tươi sáng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!