Ngày 23/12/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 296/KH-UBND về xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025 nhằm mục tiêu tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất cho phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.
Giờ học của cô và trò Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh.
Ảnh: Hà Hòa
Với sự quan tâm công tác giáo dục, tỉnh ta đã chú trọng đầu tư xây dựng, sửa chữa, trang sắm cơ sở vật chất điều kiện học tập của các nhà trường từ nguồn ngân sách nhà nước; thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư, hỗ trợ cho các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; nhiều cơ sở giáo dục dân lập, nhóm trẻ tư thục đã ra đời. Các chính sách khuyến dạy, khuyến học đã động viên, hỗ trợ các thầy, cô giáo, học sinh có thành tích cao trong dạy và học. Các chính sách hỗ trợ cho học sinh ở các xã, bản đặc biệt khó khăn, hỗ trợ học sinh ở xa các trường học. Nhiều tổ chức cá nhân quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các cháu học sinh nghèo, giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các quỹ học bổng, các chương trình hỗ trợ học sinh có điều kiện học tập trong đại dịch Covid-19, như: Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Quỹ “Học bổng Tô Hiệu”...
Năm học 2020-2021, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của tỉnh đã đạt kết quả đáng khích lệ, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh tăng 2,6%; điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp của thí sinh đạt 6,04 điểm (tăng 0,4 điểm)... Để có được kết quả đó, một phần do mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội được thực hiện hiệu quả; các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân cùng quan tâm hỗ trợ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Toàn tỉnh đã quyên góp, hỗ trợ cho kỳ thi trên 1 tỷ 357 triệu đồng, trong đó Hội Khuyến học tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 400 triệu, giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, còn phối hợp giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn không bỏ học, phối hợp đưa bài đến vùng sâu, vùng xa cho học sinh học tập mùa dịch Covid -19; Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên và các đoàn thể tham gia “Tiếp sức mùa thi” trong những ngày thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, trước đây khi nói đến xã hội hóa giáo dục, nhiều người chỉ quan tâm tới việc đóng góp, hỗ trợ về mặt tài chính, vật chất. Do vậy, trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu của Kế hoạch số 296/KH-UBND về công tác xã hội hóa giáo dục, đòi hỏi phải chú trọng và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Trách nhiệm của 3 nhóm chủ thể: Gia đình, nhà trường và xã hội cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn để góp phần vào sự phát triển giáo dục bền vững, với những nội dung cơ bản sau:
Đối với nhà trường, ngành Giáo dục - Đào tạo tiếp tục quán triệt sâu sắc trong đội ngũ cán bộ, viên chức mục tiêu “Nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất và bền vững”, với các giải pháp: Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và đạo đức nhà giáo. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, các biện pháp quản lý chất lượng giáo dục; triển khai thí điểm Giáo dục STEM/STEAM... đáp ứng yêu cầu thực tiễn và Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các cơ chế, chính sách đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, xu thế phát triển; chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể để có sự chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh, nhất là cần có sự hợp tác chặt chẽ, liên lạc thường xuyên với chính quyền địa phương, với phụ huynh học sinh trong công tác giáo dục học sinh.
Về gia đình học sinh, cần có sự phối hợp, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm trong quá trình giáo dục học sinh, như: Quan tâm đảm bảo điều kiện học tập, chế độ dinh dưỡng, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các con; phối hợp chặt chẽ với giáo viên giúp các con tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống để phòng, chống các tai, tệ nạn xã hội, phòng tránh bạo lực học đường và các hành vi vi phạm pháp luật. Gia đình cần xác định rõ trách nhiệm xã hội hóa giáo dục không chỉ là trách nhiệm về tài chính đối với con cái, mà quan trọng hơn là trách nhiệm phối hợp giáo dục con cái. Tránh tình trạng phó mặc trách nhiệm giáo dục con cái cho nhà trường.
Đối với xã hội, đó là các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tổ chức trong xã hội cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện các cơ chế, chính sách để đầu tư và thu hút đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, như phát triển cơ sở hạ tầng, hình thành các cơ sở giáo dục từ các thành phần kinh tế khác nhau. Đồng thời, tuyên truyền nhân dân nâng cao nhận thức về trách nhiệm với thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho phụ huynh có điều kiện chăm sóc gia đình, con cái, cộng đồng trách nhiệm cùng nhà trường giáo dục học sinh, như tham gia họp phụ huynh, tham gia các hoạt động của nhà trường, các hoạt động trải nghiệm, chia sẻ với giáo viên về tình hình học tập và rèn luyện của con... Từ đó, định hướng, uốn nắn, giáo dục con hiệu quả nhất.
Trước yêu cầu của sự phát triển trong tương lai, ngành Giáo dục - Đào tạo tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương. Vì vậy, hơn lúc nào hết, rất cần có sự chung tay thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, trong đó, một trong những khâu mấu chốt là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Cầm Văn An (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!