Hướng nghiệp cho học sinh THCS và THPT là bước khởi đầu trong quá trình phát triển nguồn nhân lực, giúp học sinh tự nhận biết khả năng, chọn cách đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội mà không nhất thiết phải vào đại học. Tuy nhiên, việc phân luồng, hướng nghiệp hiện vẫn mang nặng tính hình thức, chưa thiết thực và hiệu quả.
Giờ học của sinh viên lớp công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng nghề Sơn La.
Theo Sở Giáo dục - Đào tạo, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS lên THPT học khá cao, nếu năm học 2011-2012 là 64,4% thì năm 2015-2016 đạt 65,1%. Số học sinh vào học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên sau khi tốt nghiệp THCS chiếm 10%/năm so với tổng số học sinh lớp 9, chỉ có khoảng 3% học trung cấp chuyên nghiệp và học nghề còn lại tham gia thị trường lao động. Đối với học sinh THPT những năm 2014 trở về trước, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đăng ký dự thi đại học, cao đẳng chiếm tới 90%, thực tế số thi đỗ và trúng tuyển đại học, cao đẳng chỉ đạt 15-20% và khoảng 3% vào học trung cấp chuyên nghiệp và học nghề. 2 năm gần đây số học sinh đăng ký dự thi tuyển cao đẳng, đại học giảm (năm 2015 dưới 40%, năm 2016 chỉ gần 22%). Tuy số dự thi đại học, cao đẳng giảm mạnh nhưng tính cả số đăng ký xét tuyển (không thi tuyển) thì số học sinh tốt nghiệp THPT đăng ký vào đại học, cao đẳng vẫn cao (năm 2015 trên 60% và số trúng tuyển khoảng 20%). Số học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề và trung cấp chuyên nghiệp chỉ khoảng 20%, còn lại tiếp tục ôn để năm sau thi tiếp.
Thực tế cho thấy, công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh trung học đang gặp nhiều khó khăn, nhất là phân luồng sau khi tốt nghiệp THCS bởi các em đang ở tuổi “vị thành niên” và yêu cầu lao động xã hội còn mang nặng tâm lý “phải tốt nghiệp THPT” mới được coi là đủ “trình độ văn hóa”. Thêm vào đó, phải tốt nghiệp đại học mới thỏa mãn yêu cầu của các bậc phụ huynh, dẫn đến thực trạng ngày càng có nhiều trường đại học, cao đẳng nhưng thiếu hệ thống giáo dục dạy nghề quy chuẩn, làm cho xu hướng bất hợp lý về nguồn nhân lực qua đào tạo ngày càng tăng. Hệ lụy là cơ cấu nguồn nhân lực luôn bất cập, “thừa thầy thiếu thợ”, cử nhân chưa có việc làm hoặc làm trái ngành nghề đào tạo, trong khi nhu cầu công nhân kỹ thuật rất thiếu, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo cao. Thực tế những năm qua, rất ít học sinh đăng ký tuyển sinh vào học các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, cơ khí sửa chữa, đặc biệt là đăng ký vào học tại các trường chuyên nghiệp của tỉnh.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Tuy, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú tỉnh, thông tin: Ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh. Theo đó, mỗi thầy cô giáo, các tổ chuyên môn, các đoàn thể phải có trách nhiệm hướng nghiệp cho học sinh, tìm hiểu thông tin về nguyện vọng, năng lực, khối thi, ngành thi... để tư vấn cho các em chọn ngành nghề phù hợp. Tuy nhiên, hoạt động hướng nghiệp còn gặp khó khăn do thiếu giáo viên hướng nghiệp chuyên trách, chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm, trong khi giáo viên hướng nghiệp đòi hỏi phải có kiến thức sâu, rộng trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới có thể tư vấn tốt cho học sinh...
Để nâng cao chất lượng công tác phân luồng học sinh, ngành Giáo dục - Đào tạo tiếp tục tập trung chỉ đạo các trường, đặc biệt là cán bộ quản lý nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục hướng nghiệp; đổi mới nội dung, phương thức giáo dục hướng nghiệp phù hợp. Cụ thể, đối với bậc THCS, các trường cần đưa ra nhiều hình thức, biện pháp tích cực, như đẩy mạnh công tác tuyên truyền; giao trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm lớp 9 nắm bắt thông tin từng học sinh, phối hợp với giáo viên bộ môn tổ chức khảo sát đánh giá, phân tích chất lượng trên các mặt ý thức rèn luyện, năng khiếu sở trường, học lực, nguyên vọng, phân loại trình độ học sinh, từ đó định hướng cho các em lựa chọn thi tiếp vào các trường THPT hay theo học nghề tại trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Đối với bậc THPT, đưa chương trình giáo dục hướng nghiệp vào giảng dạy. Phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tư vấn, định hướng cho học sinh chọn trường và dự thi vào các trường phù hợp với năng lực và nhu cầu xã hội. Quá trình phân luồng học sinh phải căn cứ khả năng học tập để phân tích cho phụ huynh và học sinh hiểu, tạo sự đồng thuận giữa nhà trường và gia đình. Các trường cần chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp và các trường dạy nghề tư vấn tuyển sinh, trao đổi, hướng nghiệp cho học sinh. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi nói chuyện định hướng nghề nghiệp cho học sinh...
Phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học là việc làm quan trọng, không chỉ giúp các em hiểu về nghề, hiểu về bản thân mà còn giúp các em học sinh có những lựa chọn phù hợp, phát huy tốt năng lực của mỗi cá nhân; đáp ứng nhu cầu của xã hội về ngành nghề, tránh hiện tượng ngành thì thừa, ngành thì thiếu, nhu cầu lao động qua đào tạo chưa được đáp ứng như hiện nay.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!