Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2021-2022, địa phương này đã miễn, hỗ trợ học phí cho tất cả học sinh với kinh phí cấp bù khoảng 960 tỷ đồng. Hiện nay, thành phố đang xây dựng đề án miễn, giảm học phí trong năm học 2022-2023, trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét và cân nhắc để chưa áp dụng mức thu học phí mới trong năm học 2022-2023. Tại Hà Nội, năm học 2021-2022 đã miễn giảm 50% học phí cho học sinh các cấp với tổng nguồn kinh phí 900 tỷ đồng…
Hội đồng nhân dân thành phố Ðà Nẵng cũng vừa ban hành Nghị quyết hỗ trợ 100% học phí trong năm học 2022-2023 cho toàn bộ học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông cả công lập và ngoài công lập; hỗ trợ gần 4,7 tỷ đồng mua sách giáo khoa cho 8.438 học sinh con hộ nghèo, học sinh mồ côi do Covid-19 và 4.400 học sinh con hộ cận nghèo đang học tại các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên trong năm học 2022-2023.
Ðà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết hỗ trợ 100% học phí cho toàn bộ học sinh trong năm học mới 2022-2023. Trước đó, năm học 2021-2022, Ðà Nẵng chi hơn 87 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Ðây được xem là chính sách an sinh xã hội hợp lòng dân, thể hiện quyết tâm cao của chính quyền thành phố trong lúc nguồn thu ngân sách đang gặp rất nhiều khó khăn sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và kinh tế đang dần phục hồi.
Thống nhất miễn 100% học phí cho học sinh các cấp không chỉ mang lại tâm lý an tâm cho người dân mà còn tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục và đào tạo vào đầu năm học mới, giúp đội ngũ giáo viên an tâm công tác, cống hiến vì sự nghiệp trồng người.
Ngoài việc miễn học phí cho học sinh các cấp, hỗ trợ tiền mua sách giáo khoa, Ðà Nẵng còn sửa đổi bổ sung mức hỗ trợ tiền ăn đối với người có công với cách mạng đang được phụng dưỡng tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công với cách mạng và chính sách hỗ trợ đối với bộ đội phục viên, xuất ngũ bị bệnh tâm thần tại cộng đồng. Cụ thể, nâng mức hỗ trợ tiền ăn đối với đối tượng đang được phụng dưỡng từ mức 1,5 triệu đồng/người/tháng lên mức 2,1 triệu đồng/người/tháng…
Kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi với sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân. Có thể thấy, chọn vấn đề cấp thiết để ưu tiên trong điều kiện ngân sách khó khăn, eo hẹp, là bước đệm để ổn định an sinh xã hội. Với người dân, đặc biệt là những gia đình đặc biệt nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, được hỗ trợ học phí, sách giáo khoa là nguồn động viên, tiếp sức rất thiết thực.
Quan tâm đúng mức, kịp thời đối với lĩnh vực giáo dục-đào tạo, giảm gánh nặng học phí là mục tiêu đầu tiên để thực hiện tốt chính sách trồng người bền vững.
Thời điểm này, mỗi địa phương tùy vào điều kiện kinh tế có thể đưa ra những chính sách an sinh xã hội phù hợp, và một trong những điều thiết thực nhất chính là giảm nỗi lo của người dân về chi phí học hành cho con em họ trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế sau Covid-19 còn không ít khó khăn, giá cả leo thang; áp lực lạm phát gia tăng; đời sống việc làm, thu nhập của người dân còn nhiều bất cập.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!