Những năm qua, công tác tổ chức nấu ăn bán trú tại các trường học ở huyện Sốp Cộp đã được quan tâm tổ chức thực hiện tốt để học sinh vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới yên tâm đến trường học tập.
Một bữa ăn bán trú của học sinh Trường PTDT bán trú tiểu học Mường Lạn.
Huyện Sốp Cộp hiện có 12 trường tổ chức nấu ăn bán trú cho 2.775 học sinh. Cùng với quan tâm công tác đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng dạy học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp đã chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác nấu ăn bán trú cho học sinh, tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự trong nhà trường; thực hiện tiếp nhận và chi trả các chế độ chính sách kịp thời, đúng quy định. Đồng thời, Phòng tham mưu cho huyện cân đối các nguồn vốn, huy động nguồn xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống nhà ăn, phòng ở bán trú, giúp các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm học tập.
Có mặt tại điểm trường Nà Khi, Trường PTDT bán trú tiểu học Mường Lạn, xã Mường Lạn vào ngày đầu tuần, các lớp học đều duy trì sĩ số đầy đủ. Thầy giáo Quàng Văn Hồng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trước đây, vào thời điểm đầu năm học mới, các lớp hầu như không đảm bảo sĩ số, do học sinh nhà xa trường; các thầy cô phải đến từng bản vận động các em xuống lớp, nhưng đến giữa tuần nhiều em lại bỏ về. Một số phụ huynh dựng lán nhỏ bằng tre, nứa để các em ở trong những ngày đi học, vừa không an toàn, vừa không đảm bảo sinh hoạt cho các em. Từ khi thực hiện công tác nấu ăn bán trú, nhà trường được quan tâm xây dựng nhà ăn, nhà ở bán trú; các em học sinh được ăn, ngủ tại trường, phụ huynh tin tưởng, yên tâm cho con đi học, các em học sinh cũng tập trung học tập tốt hơn. Nhà trường đang có 2 điểm ăn bán trú cho 402 học sinh dân tộc Mông, Khơ Mú, Lào.
Để thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động bán trú, các trường học đã xây dựng nội quy khá chặt chẽ, phân công nhiệm vụ cho các giáo viên và nhân viên trực tiếp quản lý học sinh bán trú các buổi trong ngày, công khai minh bạch về tài chính... Các nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham gia tăng gia sản xuất, làm vườn rau sạch, chăn nuôi để bổ sung thêm vào bữa ăn hàng ngày cho học sinh. Đồng thời, thường xuyên tổ chức ngoại khóa, học tập theo lớp, theo nhóm, tập thể dục, thể thao vào các buổi sáng và chiều tối... tạo sân chơi vui khỏe, lành mạnh cho học sinh.
Đến thăm Trường THCS Púng Bánh, nhà trường đang có 45 học sinh bán trú. Theo quan sát của chúng tôi, trong các phòng ở của học sinh đều ngăn nắp, sạch sẽ, chăn gối được gấp gọn gàng. Em Vàng Thị Thảo, lớp 8D, cho hay: Nhà em ở bản Phá Thóng, cách trường hơn 14 km, nên học bán trú ở trường. Mỗi bữa ăn chúng em đều được các cô nhân viên chuẩn bị chu đáo, thường xuyên đổi món ăn như trứng, thịt gà, cá... Sau giờ học, chúng em được các thầy cô giáo hướng dẫn trồng rau để bổ sung vào các bữa ăn hàng ngày. Thời điểm đầu năm học, chúng em còn được tham gia nhiều buổi ngoại khóa về tập huấn kỹ năng sống như cách gấp chăn màn, dọn vệ sinh, làm việc nhóm, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên... rất vui và bổ ích.
Trao đổi về công tác chăm sóc học sinh bán trú, bà Tòng Thị Quyên, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết: Về cơ sở vật chất, toàn huyện có 56 nhà bếp, 7 nhà ăn, 84 phòng ở bán trú, 161 nhà công vụ cho giáo viên. Với cơ sở vật chất được đầu tư, đã cơ bản đáp ứng được việc học tập bán trú tại trường của học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, số nhà tạm, hư hỏng cần được xây mới còn nhiều, các phòng ở bán trú của học sinh còn đang trong tình trạng quá tải, các em học sinh phải ở ghép 3, 4 em một giường. Bên cạnh đó, việc đầu tư các công trình phụ trợ như sân chơi, nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn vẫn chưa được đồng bộ nên khá khó khăn trong việc chăm sóc học sinh. Chính vì vậy, Phòng cũng đã chỉ đạo các nhà trường kêu gọi, vận động các nguồn xã hội hóa đóng góp xây dựng thêm cơ sở vật chất phục vụ ăn, ở bán trú cho học sinh; tổ chức hướng dẫn học sinh vệ sinh cá nhân, phòng ở sạch sẽ...
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện công tác tổ chức bán trú, nhưng với sự quan tâm của các cấp các ngành, cùng với sự nỗ lực của thầy cô giáo và học sinh ở các trường bán trú, tỷ lệ chuyên cần của các trường học trong huyện Sốp Cộp hàng năm đạt trên 92%, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!