Cảnh giác với các chiêu trò trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 đã để lại nhiều sự nuối tiếc, không chỉ của nhiều thí sinh mất đi quyền lợi thi vào các trường mà các em đã đăng ký, mà còn có nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật và chịu sự xử lý của pháp luật bởi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng chức vụ và quyền hạn làm sai hồ sơ bài thi, chỉnh sửa nâng điểm trái quy định của pháp luật…

Ảnh minh họa

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã đến gần, bên cạnh việc không ít các trang mạng xã hội có đăng tải và chào bán các thiết bị phục vụ cho thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, như: Tai nghe siêu nhỏ (còn gọi tai nghe dạng hạt) có kết nối Bluetoot; có thể mua đề ôn tập sát với các môn thi đến 99%... còn xuất hiện những người tự xưng là có nhiều mối quan hệ từ trung ương đến địa phương, nên có thể chạy được điểm vào các trường thuộc lực lượng vũ trang…

Các chiêu trò lừa đảo, như: Các đối tượng khai thác thông tin cá nhân của người nhà, người thân, có con, em chuẩn bị tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 để khơi gợi nhu cầu không chính đáng, rồi bắt họ chuyển một khoản tiền làm phí “ngoại giao” hay phí “đi lại”. Chúng làm việc có ê kíp, hết người này gọi điện, rồi người kia gọi điện, giả vờ làm minh chứng là con của họ đã được các  đối tượng giúp đỡ nhằm lấy lòng tin của người dân đang có con, em chuẩn bị thi tốt THPT năm nay.  Nhiều đối tượng sử dụng công nghệ để cắt ghép các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu về các lĩnh vực rồi đăng tải là người này ra đề thi năm 2022, rồi cho một đường link, rồi tạo tài khoản riêng để nhập vào ôn cho sát với đề thi...

Qua nhận diện cơ bản các chiêu trò của các đối tượng như nêu trên, người dân cần cảnh giác với những luận điệu, thông tin xấu, độc (hay còn gọi là các chiêu bài của các đối tượng xấu), trên các trang thông tin, các trang mạng xã hội, có nội dung lôi kéo nhằm phá hỏng kỳ thi tốt nghiệp THPT; có lời lẽ kích động nhân dân và những người đọc, nghe thông tin làm theo điều chúng hướng dẫn để hưởng lợi bất chính; lừa đảo chiếm đoạt thông tin, tài khoản cá nhân để hạ uy tín, danh dự và nhân phẩm người khác; giả danh các tổ chức, cá nhân có uy tín, nhất là giả danh các cơ quan chức năng, như công an, quân đội… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; dùng thông tin để làm dư luận hoang mang và tạo ra các ý kiến trái chiều, tự diễn biến và tự chuyển hóa của người tham gia mạng xã hội.

Mỗi gia đình, người dân cần tìm hiểu các thông tin liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoặc các văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương có liên quan đến thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022; nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân; không tiếp xúc với các thông tin có nội dung trái chiều, kích động đi ngược lại với quan điểm của Đảng, Nhà nước, pháp luật; khi phát hiện thông tin có dấu hiệu bất thường hãy thông tin đến các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.        

Hoàng Anh (Công an tỉnh)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới