Cần tạo ra xã hội học Ngoại ngữ theo hướng nhẹ nhàng nhưng hiệu quả

Ngày 17/9, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 Đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (gọi tắt Đề án NNQG). Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị. 

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng trong cả nước tại 6 điểm cầu trực tuyến: Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý Đề án NNQG Nguyễn Thị Mai Hữu cho biết, theo kế hoạch triển khai, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020, là: Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm hiện hành (từ lớp 6 đến hết lớp 12); triển khai thực hiện chương trình tiếng Anh mới của giáo dục phổ thông, đến năm học 2020-2021, 100% học sinh lớp 3, 70% học sinh lớp 6 và 60% học sinh lớp 10 được học chương trình mới (10 năm). Đến năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp.

Tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn Ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp. Đến năm 2020, 60% học sinh trường trung cấp, 100% sinh viên trường cao đẳng (CĐ) và tới năm 2025 có 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm.

Tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục đại học chuyên ngữ và không chuyên ngữ. Đến năm 2018 – 2019, 100% các trường đại học (ĐH) triển khai  đào tạo chương trình tiếng Anh tăng cường; 100% sinh viên chuyên ngữ tốt nghiệp đạt chuẩn. Đến năm 2020, 70% sinh viên ĐH không chuyên ngữ và đến năm 2025, 100% sinh viên ĐH không chuyên ngữ đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp.

Tiếp tục đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu  người học. Đến năm 2020, 50% người học đạt chuẩn đầu ra; đến năm 2025, 100% người học đạt chuẩn đầu ra theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam phù hợp với mục tiêu của từng khóa học.

Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Phấn đấu vào năm 2020, 40% cán bộ, công chức, viên chức nói chung có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 20% có trình độ bậc 3. Đến năm 2025, tỷ lệ tương ứng là 60% và 40%.

Tiếp tục triển khai dạy và học các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh như ngoại ngữ 1 và triển khai thí điểm việc dạy và học ngoại ngữ 2 trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Kế hoạch đưa ra lộ trình cụ thể theo từng năm với việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ các cấp và trình độ đào tạo theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; rà soát, điều chỉnh chương trình bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, áp dụng mô hình bồi dưỡng và thực hành giảng dạy ngoại ngữ thường xuyên; triển khai chương trình ngoại ngữ mới trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Tại hội nghị các ý kiến tham luận, thảo luận đều bày tỏ quan điểm đồng tình, thống nhất với phương hướng, các mục tiêu đặt ra từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 của của đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”. Một số ý kiến làm rõ thêm về thực tế, thực trạng hiện nay trong dạy và học ngoại ngữ tại các địa phương và các cơ sở giáo dục, từ đó có những chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những ý kiến nhằm hướng tới việc triển khai đề án hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh một số nội dung cần được tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trước hết, về đội ngũ giáo viên, Ban Quản lý Đề án cần tập trung phối hợp với Ban chỉ đạo Đề án địa phương, đặc biệt là các trường chuyên ngữ rà soát lại chuẩn giáo viên dạy Ngoại ngữ. Tiếp theo, cần rà soát lại các thầy cô đang đứng lớp ở các bậc học theo 6 bậc chuẩn của khung tham chiếu Châu Âu. Đối chiếu trình độ giáo viên hiện có với chuẩn để xây dựng cơ sở dữ liệu, làm căn cứ cho kế hoạch đào tạo bồi dưỡng. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị công việc này thực hiện chậm nhất đến ngày 31/10/2016 phải có kết quả báo cáo. Căn cứ vào số liệu này, Trung tâm đào tạo ngoại ngữ sẽ có số liệu đào tạo bồi dưỡng.

Cùng với đó, Các Sở GD&ĐT, các tỉnh, các địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng giáo viên cho giai đoạn trung hạn từ 2016 – 2020. Kế hoạch trung hạn này chậm nhất là 31/12 phải xong để làm căn cứ cho việc xây dựng chiến lược phân bổ tài chính cho giai đoạn trung hạn.

Bộ trưởng nêu rõ, nếu trước kia dạy và học yêu cầu cao thì bây giờ giảm xuống. Đối với dạy đại học thì chỉ cần bằng đại học và chứng chỉ ngoại ngữ. Dạy trung cấp và các trung tâm thì chỉ cần bằng cao đẳng. Tới đây, đề nghị các Vụ, bậc học đặc biệt là Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Đào tạo với nước ngoài phải tăng cường mở rộng giao lưu hỗ trợ các địa phương để có giáo viên bản ngữ. “Trong khi chúng ta chưa ra được nước ngoài thì chúng ta học từ người nước ngoài vào nước ta. Vấn đề không chỉ là ngôn ngữ phát âm mà cả văn hóa. Như thế mới tạo được sự giao thoa” – Bộ trưởng chỉ đạo.

Về người học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị phải chú ý đến nhu cầu học ngoại ngữ ở các địa phương và các bậc học. Bên cạnh tiếng Anh còn cần chú ý đến các ngoại ngữ khác. Một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đang dạy cả tiếng Nhật, tiếng Hàn. Các địa phương khác có nhu cầu thì Bộ GD&ĐT xem xét thí điểm dần.

Rà soát, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam, thiết kế theo hướng thực tế và online, đưa tài liệu lên mạng cho mọi người có thể học mọi lúc, mọi nơi. 

Về chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh, Bộ trưởng yêu cầu chọn lựa một bộ sách giáo khoa chất lượng của một nước nào đó rồi về chỉnh sửa cho phù hợp, sau đó thống nhất đưa vào chương trình dạy từ tiểu học cho đến lớp 12. Và đối với các trường ĐH, CĐ, Bộ trưởng khuyến khích dùng trực tiếp giáo trình nước ngoài vì đây chỉ là bổ sung và tăng cường kiến thức.

Cùng với đó, đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh lớp 12; công bố sớm dạng thức bài thi trắc nghiệm Tiếng Anh để học sinh, thầy cô làm quen.

Tới đây xây dựng 2 nhóm trung tâm: Trung tâm đào tạo bồi dưỡng giáo viên, bố trí phù hợp với địa phương, để tránh tình trạng từng tỉnh đào tạo, bồi dưỡng riêng và Trung tâm khảo thí quốc gia.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ rõ, chủ trương không đầu tư dàn trải, phân tán. Ngân sách nhà nước chỉ tập trung cho những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, cốt lõi, còn lại do các địa phương, cơ sở giáo dục; đặc biệt làm mạnh xã hội hóa.; đồng thời, Đề án NNGQ 2020 rà soát lại toàn bộ các văn bản chính sách, những gì đã hợp lý thì giữ, không hợp lý thì bỏ, nếu còn thiếu thì bổ sung… Cơ chế chính sách phải tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, Ban Quản lý đề án và Ban chỉ đạo các địa phương phải tạo ra xã hội học tập tiếng Anh theo hướng nhẹ nhàng nhưng hiệu quả, hạn chế áp lực.

“Cần tạo được một xu thế toàn xã hội học tiếng Anh tự thân. Và như thế xã hội sẽ đẩy lên. Đất nước chúng ta bây giờ nguồn lực rất quý, và dư địa rất lớn là con người. Muốn khai thác được phát triển thì tiếng Anh và công nghệ thông tin, hai công cụ ấy làm cho thế hệ trẻ hòa nhập với thế giới rất tốt. Ta chấp nhận giai đoạn trong 10 năm tới vừa phải thôi, nhưng 10 năm tiếp theo các em vào đại học không phải học thêm nữa. Tôi tin điều đấy làm được, nếu chúng ta dạy các em tiếng Anh ở phổ thông tốt, thì 10 năm sau vào đại học thì chúng ta không mất công dạy tiếng Anh cơ sở như hiện nay” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ./. 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới