“Tổ chức kiểm tra học kỳ bằng đề thi chung đã phản ánh thực chất chất lượng giáo dục ở các trường, lớp, kết quả đó làm cơ sở để các đơn vị trường, phòng giáo dục và đào tạo đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục theo mục tiêu đề ra”. Đó là những đánh giá của ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo sau một năm triển khai tổ chức kiểm tra học kỳ thi đề thi chung của Sở. Đây cũng là một trong những giải pháp đẩy lùi “bệnh thành tích”, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh theo hướng toàn diện, thực chất.
Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị thảo luận các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thực chất, bền vững năm 2020.
Thực hiện chủ trương “Quyết tâm, tập trung cao, kiên trì để thực hiện hiệu quả các giải pháp, biện pháp cải tiến chất lượng giáo dục một cách thực chất và bền vững, lộ trình phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay”, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các hội nghị họp bàn, thống nhất giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Theo đó, từ năm học 2019-2020, Sở đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị trường trực thuộc tổ chức kiểm tra học kỳ theo đề thi chung; thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh; giáo viên đã đổi mới phương pháp dạy học, đảm bảo truyền đạt kiến thức chuẩn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, tâm lý giúp học sinh làm quen với các hình thức thi học kỳ theo đề chung. Qua đó, tạo phong trào thi đua học tập giữa lớp với lớp, trường với trường và địa phương này với địa phương khác. Trên cơ sở khảo sát chất lượng các môn học đầu năm, các trường đã phân tích kết quả, phân loại đối tượng học sinh, xác định các giải pháp, tổ chức bổ sung kiến thức, nâng cao hiệu quả các giờ dạy học chính khóa.
Sở đã thành lập Hội đồng xây dựng ngân hàng đề, thư viện câu hỏi dùng chung cho các kỳ thi trong năm và định hướng giảng dạy, ôn tập. Đề kiểm tra chung mang tính bảo mật tuyệt đối, đảm bảo chính xác về kiến thức chuyên môn, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học, đảm bảo độ phân hóa, phù hợp với các đối tượng học sinh ở các vùng khác nhau trong tỉnh. Đặc biệt, một số trường thực hiện coi thi chéo giữa các trường, mỗi phòng thi có một giáo viên của đơn vị khác phối hợp coi thi đã nêu vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong chống tiêu cực. Việc chấm thi được tổ chức chấm tập trung, chấm thi 2 vòng độc lập, khi hoàn tất việc chấm thi đã thực hiện niêm phong bài thi phục vụ công tác thanh, kiểm tra của các cấp quản lý. Qua kiểm tra, một số đơn vị ở vùng điều kiện KT-XH thuận lợi, như: Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố, Mộc Châu và các Trường THPT Mộc Lỵ, Thảo Nguyên, Phù Yên đạt kết quả tổ chức kiểm tra học kỳ bằng đề thi chung của Sở tương đối tốt. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ, các trường: THPT Chiềng Sinh, Cò Nòi, dù thuộc địa bàn khó khăn hoặc chất lượng nguồn tuyển sinh đầu vào còn hạn chế, nhưng ban đầu cũng đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục.
Sau một năm học triển khai chủ trương đánh giá giáo dục thực chất, xác định rõ việc đổi mới chất lượng giáo dục là việc làm liên tục, kiên trì và cần những giải pháp quyết liệt, năm học 2020-2021, Sở đã xây dựng kế hoạch tổ chức khảo sát chất lượng ở đầu các cấp học từ tiểu học đến THPT để tìm hiểu nguyên nhân và tìm giải pháp cải tiến chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Bà Lường Thị Thắm, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên, cho biết: Ngay từ đầu năm học, bám sát chỉ đạo của Sở, Phòng đã khảo sát chất lượng giáo dục đầu các cấp học đối với học sinh lớp 1 thuộc khối tiểu học và học sinh lớp 6 thuộc khối THCS; chỉ đạo in sao bộ đề chung của Sở gửi đến tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn và chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện nghiêm túc tổ chức thi theo đề của Sở. Kết quả kiểm tra đã đánh giá được thực chất chất lượng giáo dục của địa phương, làm cơ sở để Phòng phân loại, định hướng giúp các trường đề ra những giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, phù hợp với điều kiện từng vùng.
Thực tế quá trình tổ chức kiểm tra học kỳ theo đề thi chung của Sở và đánh giá chất lượng giáo dục đầu vào vẫn còn những khó khăn do chênh lệch nhận thức giáo dục của học sinh ở các vùng trong tỉnh khá lớn; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm giáo viên không đồng đều; cơ sở vật chất trường học ở các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều bất cập... Để từng bước khắc phục những khó khăn trên, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tổ chức rút kinh nghiệm về công tác kiểm tra, đánh giá việc ra đề; bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ra đề, phản biện đề; đổi mới công tác tổ chức các kỳ thi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của tỉnh...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!