Giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành cùng vào cuộc, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các huyện, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng lớp học kiên cố; vận động giáo viên, phụ huynh học sinh hỗ trợ ngày công, vật liệu xây dựng; kết hợp sử dụng nguồn ngân sách nhà nước một cách linh hoạt trong việc hỗ trợ các đơn vị xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục... là những giải pháp mà các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La đã thực hiện trong thời gian qua nhằm tạo điều kiện hơn nữa về học tập cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các địa phương.
Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên thầy và trò tại điểm trường Cờ Lò thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú-tiểu học xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) được học trong phòng học khang trang, sạch sẽ và kín gió. Hai phòng học tuy chỉ là nhà cấp bốn lợp mái tôn, lát gạch men, do nhóm thiện nguyện Sao Biển hỗ trợ xây dựng, song mang ý nghĩa động viên rất lớn.
Thầy và trò yên tâm bám lớp, bám trường
Thầy Điêu Văn Phát đã có gần chục năm dạy ở điểm trường Cờ Lò cho biết, năm học 2019-2020 điểm trường được các nhà hảo tâm hỗ trợ dựng hai phòng học lắp ghép, sử dụng được nửa năm thì dông lốc làm tốc mái, cuốn cả vách, hư hỏng hoàn toàn. Mùa đông này, dạy và học trong phòng học kiên cố, thầy trò thấy ấm áp hơn rất nhiều. Theo cô Phạm Thị Thái-Phó Hiệu trưởng nhà trường, điểm trường Cờ Lò không phải là điểm trường duy nhất của Trường Phổ thông dân tộc bán trú-tiểu học xã Pa Ủ nhận được sự hỗ trợ về cơ sở vật chất từ những nhà hảo tâm. Trong tổng số 30 phòng học của trường, có hơn một nửa số phòng học được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, các phòng ở bán trú, nhà công vụ, phòng ăn, thư viện, nhà vệ sinh... cũng được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Từ đó góp phần giúp cho thầy và trò nhà trường có điều kiện dạy và học tốt hơn.
Năm 2006, khi mới chia tách tỉnh, Điện Biên có 5.048 phòng học, nhưng chỉ có 2.310 phòng kiên cố; còn lại là phòng học bán kiên cố, phòng học tạm, lợp tranh, tre, nứa, lá. Là tỉnh nghèo, hằng năm kinh phí xây dựng trường, lớp trông chờ vào ngân sách trung ương cấp, nhưng do suất đầu tư lớn, học sinh trong độ tuổi đi học tăng nhanh, nhu cầu xây dựng lớn, cho nên nguồn kinh phí này không đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, UBND tỉnh Điện Biên đã giao nhiệm vụ cho 49 sở, ban, ngành trong tỉnh giúp đỡ hơn 50 xã khó khăn, xã đặc biệt khó khăn. Bám sát chỉ đạo đó, các sở, ban, ngành đã vào cuộc, cùng cấp ủy, chính quyền các huyện kêu gọi đầu tư xây dựng trường, lớp học kiên cố bảo đảm điều kiện học tập cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện Nậm Pồ, Mường Nhé đã lập kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất theo lộ trình ưu tiên, lập các tổ công tác đến từng điểm trường nắm bắt thực trạng và nhu cầu; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, kết hợp sử dụng nguồn ngân sách nhà nước một cách linh hoạt trong việc ưu tiên hỗ trợ các đơn vị xây dựng cơ sở vật chất. Vận động giáo viên, phụ huynh học sinh hỗ trợ ngày công, vật liệu để san nền, dựng lớp học. UBND huyện Mường Nhé lập website: diemcuctay.dienbien.gov.vn kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các trường trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ Nguyễn Xuân Thuận cho biết: Bảy năm qua, huyện đã huy động kinh phí xã hội hóa xây dựng trường, lớp học được hơn 17 tỷ đồng; các thầy, cô giáo, học sinh và nhân dân đóng góp hơn 20.000 ngày công lao động và 750 m3 cát, sỏi để xây dựng trường, lớp học. Nhờ đó, đến nay, trong số 41 trường học trên địa bàn, huyện Nậm Pồ đã có 26 trường đạt chuẩn quốc gia với tổng số 608 phòng học kiên cố, bán kiên cố; không còn phòng học tạm. Trong khi đó, huyện Mường Nhé huy động được gần 20 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, nâng số phòng học được xây dựng kiên cố lên 435 phòng; 307 phòng bán kiên cố; hiện chỉ còn 31 phòng học tạm. Có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt, tỷ lệ học sinh chuyên cần của Nậm Pồ tăng từ 90% năm 2013 lên 98% năm 2020; huyện Mường Nhé tăng từ 88% lên 98%, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Điện Biên.
Trong phòng học mới tại điểm trường Nậm Pan 2, xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), cô giáo Trần Thị Tâm cho biết: Mấy năm trước, cô, trò phải học trong các phòng tạm nền đất, vách thưng ván, mái lợp bằng tranh, tre. Mùa mưa nước dột tứ tung, cô, trò trốn góc nào cũng không khỏi ướt. Nhờ nguồn kinh phí 1,5 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Xổ số Điện toán Việt Nam, Công ty Bảo Việt Điện Biên tài trợ xây dựng bốn phòng học, nhà bếp mới, việc dạy và học của cô, trò đã thuận lợi hơn rất nhiều. Ông Giàng A Dính, Trưởng bản Nậm Pan 2 cho biết thêm: Được các nhà hảo tâm giúp đỡ xây dựng trường học tại điểm bản, người dân nơi đây có chỗ gửi con để đi làm, cuộc sống ổn định, nên yên tâm định cư, không tin và không nghe theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu.
Trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã tích cực thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Từ năm 2012 đến 2020, cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tỉnh đã huy động và lồng ghép sử dụng các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng 992 phòng học mầm non và tiểu học tại các huyện nghèo, các xã vùng đặc biệt khó khăn. Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã Nguyễn Chí Chung cho biết: Từ năm học 2016-2017 đến nay, huyện đã huy động được hơn 70 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 647 công trình. Cô giáo Nguyễn Thị Sửu, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Đào (xã Mường Cai, huyện Sông Mã) chia sẻ, trường vừa được xây dựng một điểm trường tại bản Co Phường từ nguồn xã hội hóa do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La kêu gọi. Phòng học được xây kiên cố, lại có thêm phòng công vụ cho giáo viên, giúp giáo viên yên tâm công tác và phụ huynh yên tâm khi cho con đi học.
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu Đinh Trung Tuấn, trong giai đoạn từ 2015 đến nay, công tác xã hội hóa giáo dục của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, thu hút các nguồn lực của xã hội, sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đến sự phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn; các nhà trường đã nhận được sự ủng hộ bằng hiện vật với tổng trị giá hơn 139 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tỉnh còn thiếu 267 phòng học ở các cấp học; còn 138 phòng học tạm và nhiều phòng học bán kiên cố đã xuống cấp, tập trung chủ yếu ở các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè, Nậm Nhùn... Nhiều trường ở các xã đặc biệt khó khăn, các bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thiếu các công trình phụ trợ… Đơn cử như ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú-tiểu học xã Pa Ủ cũng còn thiếu phòng công vụ cho giáo viên, phòng bán trú của học sinh cũng còn thiếu, có phòng chỉ chưa đầy 25 m2 nhưng bố trí chỗ ở cho 35 học sinh. Trường có hơn 200 học sinh bán trú, nhưng khu vực bếp chỉ có 18 m2, hệ thống nhà tắm, nhà vệ sinh chỉ có sáu phòng và chỉ có tại điểm trường trung tâm, còn tại các điểm bản đều chưa có các công trình này. Cùng với đó, để bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhu cầu bổ sung thiết bị dạy học là rất lớn, tuy nhiên kinh phí được bố trí mua sắm trang, thiết bị và xây mới phòng học bộ môn còn ít, chỉ đáp ứng một phần so với nhu cầu thực tế.
Trên địa bàn tỉnh Sơn La chưa có các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp lớn tham gia công tác xã hội hóa giáo dục, cho nên việc huy động các nguồn lực cho giáo dục và đào tạo trong thời gian qua còn hạn chế. Ngoài ra, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Hoàng, một số cơ chế, chính sách để bảo đảm các điều kiện đầu tư như: Chính sách về thuế, chính sách về đất đai trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo còn nhiều vướng mắc và bất cập. Nhận thức của người đứng đầu một số cấp ủy, chính quyền xã về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc huy động xã hội hóa giáo dục chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, dẫn đến việc triển khai chưa hiệu quả.
Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, lãnh đạo các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La đều xác định, thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục sử dụng ngân sách trung ương theo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang, thiết bị cho các trường học. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục tận dụng và phát huy tối đa các nguồn xã hội hóa từ các nhà hảo tâm, các cơ quan, tổ chức và phụ huynh học sinh để đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, xây phòng học mới, phòng học bộ môn và mua sắm trang, thiết bị cho các trường học. Tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của người đứng đầu một số cấp ủy, chính quyền xã về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc huy động xã hội hóa giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; quan tâm chất lượng ở các cấp học, thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, chống mù chữ, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành việc thay thế phòng học tạm bằng phòng học kiên cố.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!