Nhằm đánh giá tổng quát công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị học cụ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đồng thời, khắc phục những thiệt hại do mưa lũ, đảm bảo các điều kiện cho năm học 2017-2018, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Học sinh Trường PTDT bán trú THCS Nậm Lạnh (Sốp Cộp) chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường.
PV: Xin đồng chí cho biết, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp học chuẩn bị cho năm học mới được tổ chức như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Duy Hoàng: Để chuẩn bị cho năm học 2017-2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai 6 cuộc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo từ cấp học mầm non đến cấp THPT, tập trung cụ thể hóa nhiệm vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng định hướng phát triển năng lực học sinh, đảm bảo chuẩn kiến thức - kỹ năng, phù hợp điều kiện của từng trường. Đối với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, ngay từ cuối năm học 2016-2017, Sở đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục chủ động rà soát cơ sở vật chất hiện có, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các địa phương kế hoạch tu sửa, nâng cấp trong dịp hè 2017; phối hợp với UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa trường lớp học; cung ứng đầy đủ sách giáo khoa, trang thiết bị dạy học cho các đơn vị trường học.
Ngành đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương vận động nhân dân cùng tu sửa trường lớp học, nhà ở công vụ, bán trú tại 231 trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức cấp gạo kịp thời cùng các điều kiện khác bảo đảm nấu ăn cho học sinh bán trú ngay từ đầu năm học. Đến thời điểm này, trừ các trường bị thiệt hại lũ quét trên địa bàn huyện Mường La, còn lại hơn 800 đơn vị trường học trong toàn tỉnh đã sẵn sàng bước vào năm học mới theo kế hoạch.
PV: Xin đồng chí cho biết, những chỉ đạo của ngành để giúp các trường học bị thiệt hại do lũ quét ở huyện Mường La khắc phục hậu quả, bước vào năm học mới đúng quy định.
Đồng chí Nguyễn Duy Hoàng: Đêm mùng 2, rạng sáng ngày 3/8 địa bàn huyện Mường La đã xảy ra lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đặc biệt, tại xã Nặm Păm và thị trấn Ít Ong, 4 học sinh chết, 2 học sinh có bố hiện đang mất tích, 2 học sinh bị thương, nhiều phòng học và các công trình phụ trợ bị lũ cuốn trôi hoàn toàn hoặc bị đất đá vùi lấp. Thiệt hại nặng nề nhất là Trường Tiểu học Nặm Păm với 23 phòng học, các công trình phụ trợ và toàn bộ trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Các trường Mầm non Nặm Păm, THCS Nặm Păm và 12 đơn vị trường học khác trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng nặng nề, ước tính tổng thiệt hại khoảng hơn 50 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường La huy động cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia khắc phục hậu quả; kêu gọi cán bộ, giáo viên trong toàn tỉnh, quyên góp ủng hộ cả vật chất và tinh thần, nhanh chóng khắc phục hậu quả tại các đơn vị trường học bị thiệt hại; xây dựng phương án khắc phục tạm thời, sửa chữa, gia cố lại nhà bán trú, cấp tạm 38 giường tầng, 76 bộ chăn, màn, chiếu, 1 bộ đồ dùng nấu ăn, cung ứng toàn bộ sách giáo khoa, thiết bị dạy học tối thiểu... cho các đơn vị bị thiệt hại nặng. Đồng thời, chủ động tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cho phép miễn, giảm học phí đối với học sinh vùng bị thiệt hại... với mục tiêu, bảo đảm cho học sinh vùng bị thiệt hại do lũ bước vào năm học mới đúng quy định.
PV: Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản của năm học 2017-2018.
Đồng chí Nguyễn Duy Hoàng: Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2017-2018, trước hết, tập trung thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn kết giáo dục và đào tạo với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thứ hai, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục toàn diện; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; tăng cường nề nếp, kỷ luật, kỷ cương trường học và nêu cao đạo đức nhà giáo. Thứ ba, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống trường, lớp học; nâng cao chất lượng đội ngũ và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học; tập trung xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia; chăm lo đời sống, sinh hoạt ăn ở cho học sinh các trường nội trú, bán trú. Thứ tư, xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa giáo dục; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ. Phát động, tổ chức thực hiện “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2017 rộng khắp, thiết thực, hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!