An toàn thực phẩm cho học sinh bán trú

Toàn tỉnh hiện có 432 trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú, với trên 126.000 học sinh. Ngay sau khai giảng năm học mới 2022-2023, các trường học trong tỉnh đã tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh, trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), đảm về sức khỏe cho học sinh và yên tâm cho các bậc phụ huynh.

 

Lãnh đạo Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Yên Châu kiểm tra bếp ăn bán trú tại Trường tiểu học thị trấn Yên Châu.

Tham quan khu vực nấu ăn cho học sinh tại Trường tiểu học thị trấn Yên Châu, huyện Yên Châu, chúng tôi cảm nhận khu vực bếp ăn rất gọn gàng, sạch sẽ, với từng khu vực riêng biệt, như: Khu chế biến thực phẩm, khu nấu ăn và khu vực để thức ăn chín. Quanh khu vực bếp, ngoài sơ đồ dinh dưỡng, nhà trường còn treo các pano với nội dung về các lời khuyên trong chế biến và sử dụng thực phẩm; các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cần thông báo cho người tiêu dùng…

Thầy giáo Lê Viết Bình, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường có 685 học sinh, trong đó 426 học sinh bán trú. Sau khai giảng, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nấu ăn bán trú cho học sinh; Trường cũng luôn đảm bảo quy trình bếp ăn một chiều, 100% các nhân viên nấu ăn được tham gia lớp học kỹ năng chế biến; có hợp đồng cam kết giữa các đơn vị cung cấp thực phẩm; cam kết giữa nhà trường và các nhân viên… thực hiện nghiêm chỉnh vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chuẩn bị nấu ăn bán trú tại Trường mầm non Chiềng Lề, Thành phố.

Yên Châu có 50 đơn vị trường học, trong đó 23 trường tổ chức nấu ăn bán trú, với 25 bếp ăn tập thể. Bà Vũ Thị Tuyết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Châu, cho biết: Hiện nay, các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện cơ bản được xây dựng quy củ, thiết kế một chiều, sạch sẽ, không bị ứ đọng nước, giữ vệ sinh. Nước ăn được kiểm tra định kỳ; ngoài ra có tủ lạnh riêng biệt, để lưu mẫu thức ăn và thực hiện lưu mẫu thức ăn đúng quy định. Hằng năm, Phòng đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức về ATTP trong học sinh và phụ huynh, tăng cường các tiết học ngoại khóa về ATTP cho học sinh tại các nhà trường; phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể trong trường học.

Còn tại thành phố Sơn La có 35 trường tiểu học, mầm non, tiểu học và THCS tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú; hằng năm, Trung tâm Y tế Thành phố tiến hành kiểm tra 100% các bếp ăn bán trú trên địa bàn, ký giấy cam kết đảm bảo VSATTP; ghi chép sổ kiểm thực 3 bước theo quy định; dụng cụ chế biến, bảo quản, chứa đựng đều đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; thức ăn chế biến đúng theo quy trình bếp một chiều, từ thực phẩm tươi đầu vào đến đầu ra là thức ăn an toàn.

Ở Trường mầm non Chiềng Lề, Thành phố, công tác kiểm tra, giám sát thực phẩm, suất ăn bán trú được thực hiện sát sao và trách nhiệm. Nhà trường đã đầu tư bếp ăn một chiều với đầy đủ đồ dùng, dụng cụ phục vụ bữa ăn bán trú. Năm học 2022-2023, nhà trường có 15 lớp, gần 500 trẻ; tổ chức bữa ăn bán trú an toàn, quan trọng nhất là khâu lựa chọn thực phẩm. Nhà trường ký hợp đồng với công ty cung cấp lương thực, thực phẩm có uy tín, địa chỉ tin cậy. Các sản phẩm cung cấp cho bếp ăn bảo đảm rõ nguồn gốc. 

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thảo, Hiệu trưởng, chia sẻ: Hàng ngày, bộ phận nhà bếp của nhà trường có nhiệm vụ kiểm tra xem thực phẩm có bị nhiễm khuẩn hay không; Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên giám sát chặt chẽ tất cả các khâu từ tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, chia suất ăn cho học sinh. Thức ăn hằng ngày được nhà trường lưu mẫu 24h theo đúng quy định và có sổ sách ghi chép, theo dõi đầy đủ...

Toàn tỉnh hiện có 432 trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú, với trên 126.000 học sinh. Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã chủ động phối hợp với Cục dự trữ Nhà nước khu vực Tây Bắc, các Cục dự trữ Nhà nước khu vực miền Bắc xây dựng kế hoạch cấp phát gạo; chỉ đạo các phòng GD&ĐT tổ chức tiếp nhận gạo được hỗ trợ cấp phát cho các trường học theo kế hoạch. Công tác rà soát, lập danh sách, tiếp nhận gạo hỗ trợ, cấp phát cho học sinh, việc quản lý, sử dụng gạo được các nhà trường thực hiện nghiêm, đúng quy trình, sử dụng đúng quy định.

Chuẩn bị bữa ăn bán trú tại Trường THCS Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.

Bà Điêu Thị Dân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Sở phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các trường học trên địa bản tỉnh; chỉ đạo các nhà trường lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín, giám sát chặt chẽ các khâu tổ chức ăn bán trú, thực hiện lưu mẫu thức ăn hàng ngày và bảo quản đúng quy trình; có đầy đủ hồ sơ, sổ sách quản lý bán trú, chế biến các món ăn phong phú, phù hợp, đủ dinh dưỡng, an toàn cho học sinh.

Các trường học tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương trong giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về ATTP; tổ chức bữa ăn nội trú, bán trú trong các nhà trường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo ATTP; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; vệ sinh môi trường trong trường học, giữ gìn vệ sinh cá nhân, bảo đảm nước uống cho học sinh…

Để có bữa ăn học đường an toàn, đủ dinh dưỡng các trường học cần phải thực hiện nghiêm túc quy trình của bếp ăn bán trú; lựa chọn những đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín, chất lượng, đủ cơ sở pháp lý, đáng tin cậy để kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm hoặc suất ăn ngay từ đầu vào... Cùng với tăng cường công tác thanh kiểm tra thường xuyên VSATTP ở các trường học, cần nêu cáo trách nhiệm, đặt đạo đức kinh doanh của các đơn vị cung ứng thực phẩm, suất ăn sẵn, hướng đến lợi ích chung vì bữa ăn an toàn, chất lượng, bảo đảm sức khỏe cho các em học sinh.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới