“Ngóng” sách giáo khoa lớp 10 khi triển khai chương trình mới

Năm học này, ngành giáo dục bắt đầu triển khai giảng dạy chương trình, sách giáo khoa ở các lớp 3, 7 và 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Chỉ còn nửa tháng nữa là bước vào năm học mới, nhưng nhiều học sinh và các bậc cha mẹ, cơ sở giáo dục vẫn chưa tiếp cận được sách giáo khoa lớp 10.

“Ngóng” sách giáo khoa lớp 10 khi triển khai chương trình mới

Do thời điểm điều chỉnh một số nội dung chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 gần sát với thời gian chuẩn bị năm học mới, nhiều trường chưa tổ chức xong việc cho học sinh đăng ký học các môn tự chọn cho nên chưa thể triển khai các vấn đề liên quan sách giáo khoa.

Khó mua tại nhiều nhà sách

Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng do một số nguyên nhân và yêu cầu, ngày 3/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư điều chỉnh một số nội dung chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Theo đó, môn Lịch sử cấp trung học phổ thông từ môn học lựa chọn thuộc nhóm môn Khoa học xã hội trở thành môn học bắt buộc. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng điều chỉnh số môn học tự chọn, cho phép học sinh chọn bốn trong tổng số chín môn học tự chọn. Việc điều chỉnh nêu trên ở thời điểm cận kề năm học mới đã gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục và học sinh và các bậc cha mẹ trong việc chọn môn học, bố trí cơ sở vật chất, giáo viên.

Anh Nguyễn Anh Công, có con năm nay vào lớp 10, Trường trung học phổ thông Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, những năm học trước, ra hiệu sách là mua được đủ sách giáo khoa, nhưng năm nay, mỗi trường chọn một bộ sách, nhà sách thì khan hiếm sách giáo khoa cho chương trình mới, cho nên phải “đỏ mắt” đi tìm ở nhiều cửa hàng khác nhau.

Còn chị Nguyễn Tuyết Mai ở quận Long Biên, Hà Nội bức xúc cho rằng, nhà trường chưa có bất kỳ thông báo nào về danh mục sách giáo khoa lớp 10 để chị mua cho con học. Việc đổi mới chương trình bước đầu khiến việc tìm mua sách rất khó, học sinh không được tiếp cận sách giáo khoa sớm.

Trước khó khăn nêu trên, nhiều trường học tại Hà Nội đã phối hợp các đơn vị để cung ứng sách cho học sinh. Tại Trường trung học cơ sở Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), cô giáo Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nếu gia đình nào có nhu cầu mua sách giáo khoa ở trường thì đăng ký với bộ phận thư viện.

Trường hợp học sinh mua sách giáo khoa ở các nhà sách không đủ thì có thể đăng ký với thư viện nhà trường. Đến thời điểm này, những học sinh nào đăng ký mua sách giáo khoa tại trường đều đã nhận được đủ sách, nhà trường không nhận được phản hồi nào về việc thiếu sách.

Thầy Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) cho biết, đến nay, việc đăng ký môn học tự chọn và đăng ký sách đã hoàn tất. Ít hôm nữa, sách giáo khoa sẽ được đưa về nhà trường. Mặc dù năm nay có một số khó khăn nhưng vẫn trong điều kiện nhà trường chủ động được. Qua tổ chức đăng ký môn tự chọn, có hơn 10 học sinh trong tổng số 675 em lựa chọn môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Vì vậy, nhà trường không thể bố trí giáo viên, tổ chức lớp học, các em phải chọn môn học khác.

Tại Bắc Giang, cô giáo Huỳnh Thị Hòa Bình, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lạng Giang số 1 (Lạng Giang, Bắc Giang) cho biết, do có một số em cân nhắc đổi môn tự chọn nên trường vừa chốt xong số lượng học sinh đăng ký môn học. Để bảo đảm tất cả học sinh có sách, ngoài số lượng học sinh đăng ký mua, nhà trường còn mua thêm vài chục bộ sách để đưa vào thư viện. Nếu một số em đổi môn học ở thời điểm chót, hoặc do hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ kịp thời.

Dự kiến, cuối tháng 8, học sinh sẽ có sách giáo khoa. Ngoài ra, trường cũng gặp một số khó khăn trong tổ chức sắp xếp lớp học ở các môn tự chọn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 10. Qua thực tế đăng ký, có một số học sinh lựa chọn môn Âm nhạc, Mỹ thuật, nhưng theo kế hoạch, năm 2023 trường khởi công xây mới hai dãy nhà, sau thời điểm đó mới có các phòng học phục vụ học sinh học những môn đó. Nếu để các em tự do lựa chọn hai môn học này mà không có định hướng chắc chắn không có phòng học cũng như không có giáo viên.

Cung ứng kịp sách giáo khoa khi lựa chọn xong môn học

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang Tạ Việt Hùng, việc lựa chọn, mua sách giáo khoa năm nay có gặp một số khó khăn, trước hết là Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh không đưa sách giáo khoa vào các khoản thu trong nhà trường, cha mẹ học sinh phải tự mua, nhưng các đại lý không có để bán, vì vậy phải nhờ nhà trường mua hộ. Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh chương trình môn Lịch sử cấp trung học phổ thông sát với thời gian chuẩn bị năm học mới, cho nên hiện các em đang trong quá trình đăng ký các môn học tự chọn theo tổ hợp.

Do chưa chọn xong môn học, cho nên chưa chọn được sách và chưa có thống kê cụ thể số lượng học sinh đã mua sách. Phần lớn học sinh đăng ký mua sách giáo khoa qua cô giáo chủ nhiệm, hoặc bộ phận thư viện, nhà trường sẽ báo công ty phát hành sách cung ứng tận nơi. Tuy nhiên, các trường cung cấp thông tin cho nhà xuất bản số lượng học sinh đăng ký mua sách chậm hơn mọi năm. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang đã chủ động chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp trực tiếp, trực tuyến trong toàn ngành hướng dẫn việc lựa chọn môn học và sách, giúp học sinh mua sách giáo khoa thuận lợi. Một số ít học sinh đăng ký các môn học mà môn đó không có giáo viên thì trường động viên các em chọn môn khác nhằm bảo đảm điều kiện giảng dạy.

Tại tỉnh Điện Biên, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Đoạt, hiện tại, các trường trung học phổ thông trên địa bàn đang tổ chức cho học sinh khối 10 đăng ký môn học tự chọn, trên cơ sở học sinh đăng ký sẽ tiến hành phân lớp cho phù hợp. Về sách giáo khoa phục vụ năm học mới, qua khảo sát của Sở, số lượng sách bảo đảm đủ cung ứng cho toàn bộ học sinh trên địa bàn.

Theo Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Hoàng Lê Bách, đây là năm học đầu triển khai áp dụng sách giáo khoa các lớp 3, 7, 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Các nhà xuất bản có sách giáo khoa được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ phục vụ nhu cầu của giáo viên, học sinh theo số lượng các địa phương đăng ký. Tuy nhiên trên thực tế, việc công bố danh mục sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 lựa chọn sử dụng trong nhà trường diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định. Đặc biệt, đối với sách giáo khoa lớp 10, học sinh sẽ lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau, cho nên các tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của học sinh tại từng nhà trường, từng địa phương cụ thể.

Lường trước thực tế trên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bám sát các địa phương, nhà trường để nắm cụ thể số lượng cần cung ứng, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để có thể triển khai in gấp, bảo đảm cung ứng đầy đủ theo nhu cầu.

Đến nay, sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 đã hoàn thành việc in, nhập kho được 46,8 triệu bản; thiết lập đường dây nóng duy trì từ 8 giờ đến 22 giờ hằng ngày trong khoảng thời gian từ ngày 15/6 đến 15/9 để hỗ trợ việc mua sách giáo khoa. Đơn vị này tiếp tục thực hiện chương trình “Cùng tiếp bước em tới trường”, triển khai trao 50.000 bộ sách giáo khoa lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới