"Gieo chữ" nơi vùng cao Po Mậu

Tháng 10, trời vùng cao đã chuyển lạnh, chúng tôi đến thăm thầy cô giáo và học sinh điểm trường bản Po Mậu, Trường tiểu học Co Mạ 1, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu.

Từ trung tâm huyện Thuận Châu đến bản Po Mậu mất gần 3 tiếng đồng hồ vượt gần 60 km đường đèo với những con dốc cao, những vòng cua tay áo, xuyên qua những đại ngàn heo hút. Đến điểm trường đúng giờ ra chơi, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên, pha chút e thẹn, các em nép mình sau cửa lớp khi gặp người lạ. Đón chúng tôi là thầy giáo Vừ A Dua, Phó Hiệu trưởng nhà trường, phụ trách điểm trường này, đã có hơn chục năm gắn bó với học sinh nơi đây.

           

Một góc điểm trường Po Mậu. 

Thầy Dua thông tin: Điểm trường có 9 lớp từ lớp 1 đến lớp 5, với 242 học sinh dân tộc Mông, Khơ Mú ở 8 bản của xã Co Mạ. Trong đó, có 187 học sinh bán trú là các em ở các bản xa điểm trường từ 10 đến hơn 15km. Đường đến các bản rất khó khăn, sau 2 ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật về thăm gia đình, các em phải đi bộ cả nửa ngày đường để trở lại trường.

           

Thầy và trò điểm trường Po Mậu.      

Mặc dù đã được chăm lo cơ sở vật chất, lớp học, nhà công vụ xây dựng kiên cố, nhưng sự học nơi vùng cao vẫn còn khó khăn. Tỷ lệ học sinh thuộc diện hộ nghèo của điểm trường Po Mậu chiếm gần 80%. Do điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, phụ huynh thường xuyên phải đi làm ăn xa, nên chưa quan tâm nhiều đến việc học hành con trẻ. Vì vậy, để đảm bảo các em đến trường đầy đủ, đúng độ tuổi, các giáo viên thường xuyên xuống bản tuyên truyền, vận động các em đến trường. Đồng thời, các thầy, cô giáo vừa là thầy vừa kiêm thêm vai trò người cha, người mẹ chăm chút từ bữa ăn, giấc ngủ cho các em.

           

Giờ tập thể dục.

           

Nhà trường bố trí 11 giáo viên, trong đó 7 giáo viên là dân tộc Mông về dạy tại điểm trường. Thầy giáo Vừ A Co, nhà tận xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, có hơn 10 năm công tác tại Trường tiểu học Co Mạ 1, cũng ngần ấy thời gian thầy được giao làm Trưởng ban bán trú của điểm trường, nên thấu hiểu từng hoàn cảnh của học sinh.

           

Chuẩn bị cơm chiều cho học sinh.     

Thầy giáo Co tâm sự: Phần lớn thời gian các em sinh hoạt tại điểm trường, các em luôn coi đây là nhà của mình. Giáo viên ở đây ngoài truyền đạt kiến thức cho học sinh, thì ngày nào cũng vậy, khi tan lớp, các thầy, cô lại chia ra mỗi người một việc. Người vào bếp nấu cơm, người quét dọn lớp học và sân chơi, hướng dẫn các em tắm, rửa, vệ sinh cá nhân... Tối đến, chăm lo, đôn đốc các em học bài và đi ngủ đúng giờ.

           

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, cũng như sự tích cực huy động xã hội hóa của nhà trường, các phòng học, nhà ăn bán trú, nhà công vụ đã được đầu từ xây dựng. Tuy nhiên, đồ dùng học tập, sân chơi, nhà ở bán trú cho học sinh vẫn còn rất thiếu thốn. Cô giáo Ngô Thu Huyền, Hiệu trưởng, cho biết: Hiện tại, các em ở điểm trường Po Mậu vẫn đang ở trong ngôi nhà bán trú được dựng tạm cách đây đã gần 10 năm, giáo viên phải kê 30 giường tầng ghép sát vào nhau để mỗi giường có thể sắp xếp cho 3, 4 học sinh có thể ngủ được. Mùa đông thì chăn màn không có đủ cho các em, nhà trường đang kiến nghị huyện đầu tư; đồng thời, tích cực huy động các tổ chức, cá nhân ủng hộ, nhưng đến giờ vẫn chưa có nguồn…

           

Bữa cơm chiều của các em. 

           

Giờ tự học buổi tối của học sinh ở điểm trường Po Mậu. 

Có đến tận Po Mậu, nơi quanh năm sương trắng bao phủ, mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả của các thầy, cô giáo nơi đây. Các thầy cô giáo đã vượt lên những thiếu thốn, khó khăn, miệt mài bám bản, bám điểm trường để “gieo chữ, ươm mầm” với hy vọng mang đến một tương lai tươi sáng cho học sinh vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn này.

           

Vũ Tuấn - Quàng Hưởng

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới