“Cầu nối” đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân

Thực hiện phương châm “hướng về cơ sở, bám sát nông dân”, năm qua, cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Nhai đã làm tốt việc tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng, nhân rộng các mô hình khuyến nông, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.

 

Nông dân xã Nặm Ét (Quỳnh Nhai) trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây trồng trên đất dốc.

 

Trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện triển khai nhiều mô hình nông nghiệp; phân công cán bộ phụ trách từng xã để tư vấn, hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” phù hợp với khả năng tiếp thu của người dân ở từng vùng; phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở hơn 50 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng trong sản xuất nông nghiệp cho gần 10.400 lượt người về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; cấp phát 1.000 bản tin, cuốn nông lịch Sơn La cho các xã.

Bà Điêu Thị Chủ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Trung tâm đã lựa chọn xây dựng mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt điểm để người dân học tập, trao đổi kinh nghiệm. Hiện, có nhiều mô hình cho thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm, có hộ thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Điển hình như mô hình nuôi cá lồng; trồng cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi đại gia súc; trồng cỏ ngọt... Các mô hình đã góp phần làm thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của nông dân; người dân đã nắm chắc kỹ thuật, thời vụ, sử dụng giống mới và phân bón hợp lý; biết cách phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm, chế biến và bảo quản thức ăn hợp lý, đảm bảo vệ sinh. Hiệu quả kinh tế từ hoạt động chăn nuôi, trồng trọt mang lại, đã nâng cao đời sống người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2021 xuống còn 8,41%.

Khai thác lợi thế lòng hồ thủy điện Sơn La để phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, Trung tâm đã xây dựng mô hình; hướng dẫn chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Hiện, toàn huyện có 6.470 lồng cá; năm 2021, sản lượng nuôi trồng, đánh bắt đạt 1.860 tấn, duy trì 47 HTX thủy sản. Ông Lò Văn Ban, bản Bung Én, xã Chiềng Bằng, chia sẻ: Năm 2010, được sự hỗ trợ của huyện, sự đồng hành của cán bộ kỹ thuật Trung tâm, gia đình đã phát triển nghề nuôi cá lồng. Năm 2016, tôi vận động 12 hộ trong bản thành lập HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản Hoa Ban. Hiện nay, HTX có 160 lồng cá; thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 4 triệu đồng/tháng.

Thực hiện kế hoạch trồng dứa nguyên liệu theo chuỗi liên kết cung cấp cho Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với các xã, các phòng chuyên môn rà soát nhu cầu, quỹ đất, tuyên truyền, vận động các hộ tham gia. Hiện nay, toàn huyện đã trồng hơn 100 ha, dứa sinh trưởng, phát triển tốt; dự kiến tháng 5/2022 sẽ cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 25-30 tấn quả tươi/ha. Ông Hoàng Văn Học, Chủ tịch UBND xã Mường Giôn, cho biết: Từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, người dân đều được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tận tình hướng dẫn kỹ thuật. Đến nay, xã đã trồng gần 50 ha dứa Queen. Chúng tôi kỳ vọng vào sự thành công của mô hình trồng dứa, sẽ là tiền đề để nhân rộng thêm nhiều diện tích trồng dứa trên địa bàn xã, giúp bà con mở ra hướng phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã chủ động phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò. Từ khi xuất hiện dịch, cán bộ ngũ thú ý tăng cường tuyên truyền, phổ biến cách nhận biết dấu hiệu của bệnh, cách chăm sóc vật nuôi cho người dân; phun khử trùng hơn 2.200 lít hóa chất; tiêm phòng hơn 68.000 liều vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, trong đó, xã hội hóa 9.100 liều vắc xin viêm da nổi cục trâu bò.

Anh Lò Văn Hồng, cán bộ thú y xã Chiềng Khoang, cho biết: Bảo vệ đàn vật nuôi, cán bộ thú y của xã đã khuyến cáo người dân không được buôn bán gia súc bị bệnh; tổ chức tiêm phòng 1.500 liều vắc xin viêm da nổi cục; hướng dẫn phun thuốc, rắc vôi khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi; tăng khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi nuôi. Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, người dân đang tập trung chăm sóc 2.828 con bò, 770 con trâu. 

Với vai trò là “cầu nối” đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Nhai đã và đang giúp người dân thay đổi được tập quán canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần giảm nhanh số hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới