Người nông dân có 8 cây bưởi “vàng”

Đến tiểu khu 3, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, hỏi thăm nông dân Nguyễn Hữu Lập, ai cũng biết, bởi anh là người chịu thương, chịu khó, lại được biết bởi sở hữu những cây bưởi cho thu mỗi cây 10 triệu đồng/vụ.

Với 8 cây bưởi, anh Nguyễn Hữu Lập thu 80 triệu đồng/vụ. 

Dẫn chúng tôi men theo lối mòn lên khu vườn của gia đình anh Lập, vừa đi, anh Vũ Đức Quang, cán bộ Hội Nông dân xã Chiềng Sơn, vừa bảo: “Nói ra có lẽ không ai tin, nhưng đúng là mỗi vụ, 8 cây bưởi này đã cho gia đình anh Lập một khoản thu nhập không nhỏ”. Gặp anh Lập trong khi anh đang bận bịu với công việc chăm sóc, tỉa cành cho 8 cây bưởi “chủ lực” theo cách gọi của anh, bởi nhờ những cây bưởi này gia đình anh đã có cuộc sống khấm khá hơn.

Quê gốc ở Hưng Yên, nhưng anh Lập lại được sinh ra và lớn lên ở vùng biên Chiềng Sơn này, năm 1991, trong một lần về thăm quê, anh thấy ở quê nhà có giống bưởi thơm ngon được trồng trong vườn của người nhà, anh bèn xin một cây về trồng, ban đầu chỉ với ý định trồng lấy quả phục vụ nhu cầu trong gia đình. Ba năm sau, cây bưởi cho ra quả sai trĩu cành, anh mang chia cho mọi người trong gia đình thưởng thức, mọi người đều nhận thấy đây là giống bưởi ngon. Lúc này, anh Lập vẫn chưa có ý định nhân giống ra trồng, đến tận năm 2001, thấy cây bưởi ra nhiều quả, anh mới mang đi vừa cho hàng xóm, vừa bán với giá 10.000 đồng/quả, vụ ấy, gia đình anh thu được trên 4 triệu đồng; thấy mọi người đều khen bưởi ngon, lại bán chạy, nên anh Lập đã chiết 7 cành để trồng. Từ năm 2010, đến nay 8 cây bưởi của anh cho thu nhập từ việc bán quả bình quân là 80 triệu đồng/vụ.

Theo nhiều người dân ở trong vùng, đây là giống bưởi ngọt, tép bưởi to, bóc ra không bị vỡ, múi bưởi không quá khô hay quá ướt, được đánh giá là ngon hơn giống bưởi da xanh và bưởi Diễn. Trong quá trình chăm sóc bưởi, anh Lập còn nhận thấy, đây là giống bưởi ít sâu bệnh, lại không phải đầu tư nhiều cho việc chăm bón. Mỗi năm, gia đình anh chỉ đầu tư 200 nghìn đồng tiền phân bón và công chăm sóc; gia đình anh cũng không phải phun bất cứ một loại thuốc trừ sâu, hay bảo quản hoa và quả nào, trong khi giống bưởi da xanh và bưởi Diễn mà anh đang trồng thử nghiệm thì lại phải đầu tư chăm sóc rất kỹ vì nhiều sâu bệnh. Qua quan sát của chúng tôi, 8 cây bưởi của gia đình anh Lập có tán rộng, quan sát kỹ thì không phát hiện thấy lá nào bị rệp, các lá phát triển đều nhau, có màu xanh bóng, cây có bộ rễ rất khỏe. Hằng năm, sau vụ thu hoạch, gia đình anh chỉ việc chăm sóc bưởi bằng cách tỉa bớt cành và bón phân, nhưng năm nào cây cũng cho quả sai trĩu. Đến khi quả phát triển, vợ chồng anh vặt bớt quả và mua tre về chống cành để không bị gãy cành, mỗi cành to khoảng bằng bắp tay người lớn nhưng có tới 40-50 quả; vụ thu hoạch năm 2016, mỗi cây bưởi cho khoảng 800 quả, bán với giá trung bình 20.000 đồng/quả, vừa bán, vừa làm quà biếu, anh cũng thu khoảng 10 triệu đồng/cây. Bây giờ, cứ đến vụ thu hoạch, nhiều thương lái đến đặt mua tận vườn. Năm 2014, anh Lập đã nhân giống và loại bỏ dần những cây nhãn, mơ, mận không còn năng suất để trồng thêm 200 gốc bưởi được nhân giống từ cây bưởi đầu tiên trên diện tích gần 3 ha, đến năm 2018, sẽ cho lượt quả đầu tiên. Vườn bưởi của anh đã có nhiều cán bộ khuyến nông, nông dân tỉnh và huyện cùng nhiều nông dân đến tham quan. Hiện nay, anh Lập đang chiết 600 cành để bán cho những nông dân có nhu cầu trồng thử với giá 40.000 đồng/cành.

Những cây bưởi đang mùa đậu quả, nhận định, năm nay, 8 cây bưởi của gia đình anh Lập sẽ cho thu cao hơn năm 2016. Tuy nhiên, điều mong muốn của gia đình anh Lập là được đặt tên cho loại bưởi này để từng bước xây dựng thương hiệu. Rõ ràng, đây là giống bưởi ngon, với đặc tính ít sâu bệnh, rễ phát triển nhanh và khỏe, có thể phù hợp trồng trên đất dốc ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chức năng cần có bước đánh giá về chất lượng và tiến tới mở rộng vùng trồng loại cây này để mang lại thu nhập cao cho người sản xuất.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới