Người giữ lửa cho nghề làm vải thổ cẩm

Với tình yêu nghề dệt thổ cẩm, cùng mong muốn lưu giữ những nét đẹp truyền thống của dân tộc Thái, hơn 40 năm qua, bà Lò Thị Khiện, bản Piềng Lán, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu), vẫn miệt mài dệt nên những tấm vải thổ cẩm đa dạng màu sắc, được người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Bà Lò Thị Khiện truyền dạy nghề lại cho thế hệ sau.

Thăm gia đình bà Khiện trong ngày đầu năm mới, ấn tượng đầu tiên chúng tôi về bà là đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt đưa những nhịp thoi, đường chỉ, tạo ra những tấm vải có hoa văn họa tiết độc đáo. Bà Khiện tâm sự: Ngay từ khi còn bé, tôi đã thấy bà và mẹ tôi tự dệt vải để mặc, làm quà mừng với nhiều đồ thổ cẩm phong phú như: Chăn, gối, khăn piêu, áo, váy... Lớn lên, tôi được bà và mẹ truyền dạy lại những kỹ thuật và kiến thức nghề dệt. Để có được một tấm vải thổ cẩm mất rất nhiều công đoạn như: Quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt, nhuộm... Công đoạn đòi hỏi tính sáng tạo và đôi tay khéo léo là việc tạo hình các hoa văn lên sản phẩm sao cho hài hòa, cân đối. Để có được những đường nét, hoa văn trên vải đẹp, người phụ nữ phải ngồi nhặt từng sợi vải dệt. Trung bình một tấm vải để làm áo, váy khoảng 70 cm2 - 1 m2 phải làm hơn một tuần. Với những tấm vải rộng làm chăn với diện tích khoảng 2,5 - 3 m2 có khi phải mất cả tháng mới dệt xong, đòi hỏi người làm phải kiên trì và cẩn thận, nếu không sẽ phải gỡ ra làm lại. Sự khéo léo, sáng tạo của người phụ nữ Thái được thể hiện ở chính tấm vải mà họ tạo ra.

Sản phẩm thổ cẩm của dân tộc Thái có đến gần 40 các loại hoa văn, họa tiết, thể hiện quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, triết lý âm dương, những hình ảnh thể hiện sự sinh sôi, nảy nở giống loài, trời đất cùng vạn vật hòa hợp, cùng những hình thoi, quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu, chùm hoa buông dài, lá đơn, lá kép, búp cây, hoa leo... trở thành những câu chuyện được cách điệu đưa vào trong sản phẩm thổ cẩm từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Tính cách và tuổi tác cũng được thể hiện rất rõ trên những sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ Thái. Với những cô gái thái tuổi đời còn trẻ thể hiện sự năng động của mình bằng những gam màu sáng, những đường nét hoa văn uyển chuyển như: Hoa, lá, gà, bướm cách điệu. Còn những người phụ nữ lớn tuổi thì lại thiên về những đường nét rắn rỏi và từng trải, sử dụng những hoa văn như: Đường diềm, lá cây, quả trám... mang gam màu trầm.

Hiện tại, bà Khiện cùng 6 gia đình khác trong bản đang lưu giữ nghề làm vải thổ cẩm. Ngoài ra, để nghề dệt không bị mai một, bà đang truyền dạy cho hơn 10 người là con, cháu trong gia đình và chị em trong Chi hội phụ nữ bản. Cứ đều đặn hằng ngày, sau khi kết thúc việc đồng áng, chị em học nghề lại tập trung tại nhà bà Khiện để được hướng dẫn những kỹ thuật thêu, dệt, những công thức để có thể nhuộm được một tấm vải có màu sắc đẹp và bền. Vừa học vừa làm, đến nay nhiều chị em đã có tay nghề, có thể tự sản xuất và bán những sản phẩm từ vải thổ cẩm, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Là người đã theo học nghề làm vải thổ cẩm, chị Lường Thị Chung, bản Piềng Lán, xã Chiềng Hắc, cho biết: Bị lôi cuốn bởi những đường nét, họa tiết đầy tinh tế trên những tấm vải thổ cẩm, cùng mong muốn lưu giữ, phát triển những tinh hoa văn hóa của dân tộc, tôi đã theo học nghề dệt của bà Khiện, được bà hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn để dệt thành 1 tấm vải. Đến nay, tay nghề đã vững, tôi đã có thể làm ra những sản phẩm thổ cẩm để bán cho khách du lịch và bỏ mối cho một số cửa hàng lưu niệm tại Mộc Châu và Hà Nội. Việc làm này đã đem lại thu nhập cho tôi hơn 3 triệu đồng/ tháng.

Những sản phẩn được bà Khiện làm ra như: Chăn, đệm, vải thường đa dạng mẫu mã, hình thức đẹp, chất lượng vải tốt, sử dụng được lâu dài, giá thành hợp lý nên bà con trong vùng rất ưa chuộng. Không chỉ vậy, các cửa hàng lớn chuyên buôn bán các mặt hàng thổ cẩm tại các huyện như Yên Châu, Mộc Châu... cũng thường xuyên lui tới để đặt hàng. Nhờ vậy, bà có mức thu nhập ổn định trên 4 triệu/ tháng.

Chia tay bà Khiện, khi những sợi vải đủ màu sắc đang được bà nhanh tay phơi khi mới nhuộm xong, bà nói thêm: Mong rằng, chính quyền địa phương có chính sách bảo tồn và phát triển nghề truyền thống dệt vải thổ cẩm, vì đây là một nghề không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc.

                                           

Đức Anh

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới