Đến bản Cổng Chặp, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, nói đến ông Sùng Giả Dia, người cao tuổi tiêu biểu của bản, rất nhiều người biết bởi ông là người tích cực tuyên truyền, vận động người thân và dân bản thực hiện nếp sống văn hóa, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Ông Sùng Giả Dia cùng người dân bản Cổng Chặp thu hoạch thảo quả.
Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Cổng Chặp Sùng A Só, thông tin: Cổng Chặp là tên bản mới, được sáp nhập từ 3 bản Mô Cổng, Pá Chặp và Nà Ngụa vào cuối năm 2019, bản có 183 hộ, gần 800 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Đây là bản có diện tích rừng lớn và là một trong những bản làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng ở xã Phổng Lái, đồng thời là bản thực hiện tốt cam kết "5 có, 5 không". Trong đó, có đóng góp không nhỏ của những người như ông Sùng Giả Dia, nguyên Trưởng bản Mô Cổng trong suốt 16 năm (1992-2008) và hiện nay là công dân tiêu biểu của bản Cổng Chặp.
Ông Sùng Giả Dia giới thiệu mô hình trồng chanh leo. Ở tuổi 69, ông Sùng Giả Dia trông phúc hậu, nói tiếng phổ thông rành giọt và rất thân thiện, cởi mở. Đón tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ khang trang, ông Dia vui vẻ kể: Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước mà đời sống bà con vùng cao hôm nay đã thay đổi nhiều so với trước. Giờ đây, người Mông cùng nhau thực hiện nếp sống văn hóa trong tổ chức lễ cưới, vừa giữ nét truyền thống, vừa văn hóa, văn minh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Những tín ngưỡng văn hóa mang bản sắc dân tộc tiếp tục được duy trì và phát triển, các hủ tục, mê tín dị đoan từng bước được xóa bỏ, tang lễ được tổ chức gọn nhẹ, không tốn kém. Chăm chút việc học hành của con trẻ, không phân biệt con trai hay con gái, cứ đến tuổi đi học là được đến trường, trình độ dân trí của người dân ngày càng được nâng lên. Bà con tích cực tham gia và thực hiện phong trào bảo vệ an ninh trật tự, cam kết thực hiện và giữ vững bản không có ma túy.
Rừng sơn tra gần chục năm tuổi đang khép tán.
Suốt 16 năm làm trưởng bản Mô Cổng, ông Dia luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ cây thuốc phiện. Năm 1992, bản Mô Cổng đã xóa được cây thuốc phiện. Để làm được điều đó, ông đã dẫn đoàn công tác đến từng nhà tuyên truyền, vận động, thậm chí phải đi vào rừng nhiều ngày để triệt phá cây thuốc phiện. Sau đó, tạo sinh kế cho người dân, được sự hỗ trợ của nhà nước về cây giống, ông cùng với nhiều hộ trong bản đã tham gia trồng cây sơn tra kết hợp trồng sa nhân, chăn nuôi bò nhốt chuồng. Năm 2018, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, ông Dia tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng chanh leo. Mô hình kinh tế hiện nay mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Minh chứng cho những thay đổi trong phát triển kinh tế, ông Dia dẫn chúng tôi đi thăm vườn chanh leo cách nhà vài chục mét. Ông phấn khởi: Năm 2018, gia đình tôi chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng 1.600 gốc chanh leo, chỉ sau 9 tháng, cây đã cho quả. Năm 2021, bán với giá 25-30 nghìn đồng/kg chanh leo vàng, 8-10 nghìn đồng/kg chanh leo tím cho thu nhập trên 80 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn thu hoạch được gần 2 tấn sa nhân, bán với giá 25-30 nghìn đồng/kg quả tươi, cho thu nhập trên 50 triệu đồng; thu thêm gần 100 triệu đồng tiền từ chăn nuôi trâu, bò, gia cầm.
Cách vườn trồng chanh leo hơn 1 km là 4 ha nương đồi được phủ kín màu xanh sơn tra và sa nhân. Năm 2008, ông Dia đã đầu tư cải tạo, mở rộng 1,8 km đường để xe tải có thể vào thu mua tận vườn. Dừng chân thăm vườn sơn tra đã khép tán, xum xuê, ông Dia giới thiệu: Trước đây, nhiều diện tích đất đồi ở bản, người dân trồng cây thuốc phiện. Ngày đó, tôi cùng cán bộ huyện, xã phải đi nhiều tuần để tuyên truyền, vận động các hộ phá bỏ cây thuốc phiện. Sau này, được Nhà nước hỗ trợ cây giống trồng sơn tra để phủ xanh đất trồng đồi trọc, đến nay cây sơn tra ngoài phủ xanh đất trống đồi trọc còn cho người dân thêm thu nhập từ bán quả sơn tra, nhiều diện tích được chi trả hỗ trợ dịch vụ môi trường rừng.
Quả sơn tra mang lại nguồn thu nhập thêm cho nhiều hộ trong bản. Từ những mô hình kinh tế của ông Dia, nhiều hộ trong bản đã đến học tập kinh nghiệm và được ông hỗ trợ cả cây giống, thậm chí hỗ trợ cho vay tiền đầu tư cây giống, phân bón phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, cả bản Cổng Chặp có khoảng 20 ha chanh leo, 50 ha sơn tra, 20 ha sa nhân, gần 10 ha cà phê và 6 ha chè; thu nhập bình quân đầu người đạt 2 triệu đồng/người/tháng, bản chỉ còn 10 hộ nghèo, không có hộ cận nghèo. Có điều kiện kinh tế, các hộ đã thống nhất trích tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đóng góp làm nhà văn hóa bản, đổ bê tông hơn 2 km đường vào bản. Đến nay, tuyến đường liên bản đã được bê tông hóa 100%, đường nội bản đạt 90%; hiện, bản đạt tiêu chuẩn không có ma túy.
Anh Lường Văn Chung được ông Sùng Giả Dia giúp đỡ phát triển kinh tế. Anh Lường Văn Chung, một trong những người đến định cư ở bản được ông Dia quan tâm giúp đỡ. Anh kể: Gia đình tôi ở xã Mường É, trước đây cuộc sống khó khăn, phải đi làm thuê để sinh sống. Năm 2006, tôi được ông Dia cho mượn 2 ha đất để trồng ngô, sắn. Đến năm 2020, ông tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi một phần đất trồng ngô sang trồng chanh leo. Vụ chanh leo 2021, cho thu nhập trên 60 triệu đồng. Hiện giờ, tôi còn cùng với con trai ông Dia trồng thêm 1 ha sa nhân, mỗi năm cho thu nhập thêm vài chục triệu đồng.
Gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế và thực hiện cam kết "5 có, 5 không", góp phần đổi thay cuộc sống của người dân Cổng Chặp, những nỗ lực, cố gắng của ông Sùng Giả Dia đã được các cấp ghi nhận và tặng Bằng khen, giấy khen. Ông xứng đáng là tấm gương tiêu biểu để người dân Cổng Chặp noi theo.
Minh Thu - Bảo Khánh
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!