Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những cuộc hành quân sát cánh cùng đồng đội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và ký ức về những cơn sốt rét rừng, những phút giây cận kề giữa sự sống và cái chết vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người lính năm xưa. Đối với họ, đó thực sự là những tháng năm không thể nào quên, là một thời để nhớ và tự hào.
Ông Nguyễn Viết Lăng tham gia lao động sản xuất tại gia đình.
Mỗi năm, cứ đến những ngày tháng 5 lịch sử, ông Nguyễn Viết Lăng, 84 tuổi, ở bản Xi Măng 2, xã Chiềng Pấc (Thuận châu) lại bồi hồi nhớ lại những ký ức hào hùng về những ngày cùng đồng đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày ấy, ông là bộ đội thuộc Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, đơn vị có nhiệm vụ tham gia bảo vệ vòng ngoài và tiêu diệt các đồn bốt của quân Pháp để mở đường cho bộ đội ta tiến đánh căn cứ Điện Biên Phủ...
Năm 1952, khi mới 17 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Viết Lăng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Trung đoàn 98, sư đoàn 316, sau một thời gian huấn luyện, ông đã tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ từ Sơn La - Điện Biên - Lai Châu đến Thượng Lào tiêu diệt nhiều địch, phá hủy nhiều vũ khí sinh lực của địch. Hơn 1 năm sau nhập ngũ, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhớ về những kỷ niệm trong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Lăng bồi hồi: Năm 1953, Trung đoàn tôi được lệnh hành quân lên Điện Biên Phủ làm nhiệm vụ. Đơn vị được cấp trên giao nhiệm vụ giải phóng các đồn: Yên Ngựa, Mâm Xôi, C1, C2 để mở đường cho quân ta tiếp đánh vào các cứ điểm quan trọng của chiến dịch. Thực hiện nhiệm vụ được giao, tôi và các đồng đội đã bí mật áp sát trận địa, giằng co với quân địch nhiều ngày đêm và đã phá hàng rào giúp quân ta tiến sâu vào trận địa và có nhiều đồng chí đã hy sinh. Cho đến khoảng 17 giờ 35 phút, ngày 7-5-1954, chúng tôi vui sướng được biết qua thông tin liên lạc của đơn vị điện báo “Chiến dịch đã thắng lợi hoàn toàn”. Đến 24 giờ toàn bộ quân địch bị bắt làm tù binh. Lúc ấy, tôi và đồng đội ở lại Điện Biên Phủ thu dọn chiến trường.
Năm 1958, rời quân ngũ, ông Lăng lên Tây Bắc xây dựng kinh tế mới và công tác tại Ty Công nghiệp, Khu tự trị Thái - Mèo. Sau đó, công tác tại Nhà máy Xi măng Chiềng Pấc (Thuận Châu) đến năm 1980, được hưởng chế độ hưu trí, ông luôn giữ phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, tích cực lao động sản xuất, nuôi dạy các con trưởng thành.
Dù đã hơn 60 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng ngày ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người cựu binh già. Ông Lăng chia sẻ: Mong con cháu hiểu được những gian khó, hy sinh cha anh mình đã trải qua, biết trân trọng và thêm phấn đấu để xây dựng cuộc sống mới ngày càng tươi đẹp!
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!