Đam mê thổ cẩm dân tộc

Tâm huyết và niềm đam mê với thổ cẩm dân tộc, cô giáo Bùi Thu Hảo (sinh năm 1985), giáo viên trường THPT Tông Lạnh, Thuận Châu đã sáng tạo, xây dựng ý tưởng “Phát triển nghề dệt may thổ cẩm vào trang phục áo dài và trang phục biểu diễn”, xuất sắc vượt qua nhiều tác giả, nhóm tác giả, trở thành 1 trong 5 ý tưởng được hỗ trợ tại Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Sơn La” năm 2019 do Tỉnh Đoàn tổ chức.

 

 

Cô giáo Bùi Thu Hảo giới thiệu chiếc áo dài thổ cẩm tự thiết kế.

 

Gặp chị Bùi Thu Hảo tại gian hàng khởi nghiệp của thanh niên ở Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Sơn La lần thứ V, chị nhiệt tình giới thiệu về từng sản phẩm thổ cẩm tại gian hàng đang thu hút sự quan tâm của khách tham quan. Tranh thủ trò chuyện cùng chị, được biết, chị sinh ra và lớn lên tại xã Tông Lạnh, được tiếp xúc với những nét phong tục tập quán, văn hóa, những nét hoa văn trên trang phục, mặt chăn, đệm, khăn piêu... của đồng bào Thái, khiến chị đặc biệt yêu thích. Chị chia sẻ: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Thái Sơn La nói chung và ở Thuận Châu nói riêng có nhiều mẫu họa tiết hoa văn cực kỳ độc đáo, tinh xảo... Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Thuận Châu đang đứng trước nguy cơ mai một bởi phải cạnh tranh với các sản phẩm dệt may công nghiệp. Hiện giờ, số lượng các hộ gia đình giữ được nghề dệt thổ cẩm còn rất ít, nếu có cũng chỉ hoạt động nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu của các thành viên trong gia đình là chính. Vì vậy, chị cứ trăn trở, làm thế nào để có thể phát huy được văn hóa thổ cẩm và khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Năm 2019, khi Tỉnh Đoàn phát động Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Sơn La”, chị thấy đây là cơ hội và tập trung nghiên cứu, lên ý tưởng “Phát triển nghề dệt may thổ cẩm vào trang phục áo dài và trang phục biểu diễn”, tham gia Cuộc thi với mong muốn tìm ra được hướng đi mới cho mặt hàng dệt thổ cẩm; đồng thời, mang lại thu nhập ổn định cho các nghệ nhân dệt và bảo tồn phát triển nghề truyền thống này tại địa phương.

Chị Hảo cũng thẳng thắn, nếu ý tưởng được hiện thực hóa, chị sẽ xây dựng xưởng dệt, xưởng may; tập hợp, liên kết người biết thêu, dệt giỏi, nghệ nhân am hiểu về hoa văn thổ cẩm của đồng bào Thái tại địa phương tham gia. Đồng thời, tập trung khai thác những điểm mà vải công nghiệp không thể làm được, đó là quy trình dệt vải truyền thống, sản phẩm sử dụng chất liệu 100% bông sợi tự nhiên; hoa văn mô phỏng đúng họa tiết theo phong cách của người Thái; sản phẩm hướng đến nhóm khách hàng yêu thích, muốn sưu tầm những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc Thái. Giai đoạn đầu, sẽ liên kết với thợ dệt, sản xuất vải thổ cẩm để bán ra thị trường và bắt tay ứng dụng thổ cẩm vào tà áo dài, sản xuất áo dài thổ cẩm với nhiều kiểu dáng, giá bán từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/chiếc. Áo dài điểm xuyết thổ cẩm sẽ tạo sự trẻ trung, mới mẻ và khác lạ, không chỉ lưu giữ nét đẹp truyền thống của áo dài mà còn bảo tồn được văn hóa truyền thống. Không chỉ vậy, chị sẽ cùng các nghệ nhân liên kết sản xuất, ứng dụng hoa văn thổ cẩm Mông không chỉ trên áo dài mà ngay cả trang phục biểu diễn... để những dòng sản phẩm đặc trưng, thổ cẩm dân tộc Sơn La tìm lại được vị trí, “chỗ đứng”. Tiếp đó, thuyết phục các công ty vải thời trang, các điểm du lịch kết nối, đầu tư, giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước...

Với nhiệt huyết tuổi trẻ, đam mê, sáng tạo, chúc cô giáo Bùi Thu Hảo sớm biến ý tưởng thành hiện thực, vừa góp phần gìn giữ những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, vừa tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho phụ nữ tại địa phương từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới