Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi

Không cam chịu cuộc sống nghèo khó, cựu thanh niên xung phong Nguyễn Đắc Khánh, bản Noong Xôm, xã Hát Lót (Mai Sơn) đã khai thác tiềm năng, lợi thế ở địa phương và điều kiện thực tế của gia đình để phát triển sản xuất, trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở xã.

Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Đắc Khánh chăm sóc vườn xoài. 

Ông Khánh kể: Tháng 5/1967, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, được biên chế vào Đại đội 2, đội 25. Đơn vị chúng tôi đảm nhiệm việc thông tuyến đường 16B Quảng Bình. Đây là tuyến đường ngắn và bí mật, phục vụ lâu dài cho cuộc kháng chiến nên có chủ trương mở  rộng, nâng cấp để vận chuyển quân nhu cho chiến trường miền Nam. Bởi vậy, đế quốc Mỹ đã bắn phá ác liệt hòng cắt đứt liên lạc trên tuyến đường này. Nhưng với ý chí và quyết tâm, chúng tôi đã bảo vệ tuyến đường thông suốt, cung cấp quân nhu cho chiến trường miền Nam. Tháng 7/1974, tôi xuất ngũ về quê Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội. 7 năm sau, tôi cùng gia đình lên bản Noong Xôm, xã Hát Lót (Mai Sơn) lập nghiệp.

Thời gian đó, cuộc sống của gia đình ông Khánh gặp nhiều khó khăn. “Lạ nước, lạ cái”, không có vốn đầu tư sản xuất, ông cũng chỉ trồng ngô, trồng lúa năng suất thấp, vì vậy cái nghèo đeo bám mãi cuộc sống của gia đình. Cách đây gần chục năm, qua phương tiện thông tin đại chúng và qua thực tế tìm hiểu một số mô hình kinh tế của bà con trong xã và các vùng lân cận, nhận thấy cây xoài hợp với đồng đất Noong Xôm, năm 2010, ông Khánh quyết định vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư trồng gần 3 ha xoài Úc và ghép các giống nhãn có năng suất cao.

5 năm sau, vườn cây ăn quả của gia đình ông Khánh đã cho thu hoạch, quả xoài to, mẫu mã đẹp, có mùi thơm, ngon, đáp ứng nhu cầu của thị trường nên được thương lái đến đặt hàng. Mỗi vụ gia đình thu 20 tấn quả xoài, 10 tấn nhãn quả, 10 tấn bí xanh. Số tiền bán xoài và nhãn, ông đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn, xây dựng bể biogas để tận dụng chất thải chăn nuôi làm chất đốt, vừa giảm chi phí chăn nuôi, lại bảo vệ môi trường, mỗi năm xuất chuồng hàng chục tấn lợn hơi, trừ chi phí sản xuất, gia đình ông thu 500 triệu đồng/năm trở lên, tạo việc làm thời vụ cho 2-3 lao động địa phương, với mức tiền công 150.000 đồng/người/ngày. Ông Nguyễn Đắc Khánh được công nhận “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện giai đoạn 2011-2016’’.

Không chỉ chăm lo làm giàu cho gia đình, ông Khánh còn thường xuyên giúp đỡ những hội viên cựu TNXP còn khó khăn bằng việc cho vay tiền lãi suất thấp để đầu tư phát triển sản xuất; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với bà con trong bản, trong xã. Hưởng ứng phong trào làm đường giao thông nông thôn, gia đình ông cũng đã tự nguyện hiến 120 m2 đất vườn để mở rộng tuyến đường.

Lâm Tùng (Thành phố)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới