Lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động như: Phục dựng, tái hiện nghi thức cổ của đồng bào dân tộc Mông, lễ cúng cột đá Tủa Sềnh; thăm bãi đá khắc cổ Khe Hổ; hoạt động khảo sát đỉnh Phu Sa Phìn cao 2.868 m; trình diễn chế tác khèn, rèn dao, nấu rượu; trình diễn trang phục dân tộc Mông; thi giã bánh dày, kéo co, bóng chuyền; trưng bày các mặt hàng nông sản đặc sản của địa phương…
Độc đáo và ấn tượng là phần tái hiện lễ cúng cột đá Tủa Sềnh. Đây là nghi lễ tín ngưỡng truyền thống với ý nghĩa cầu mong sức khỏe, một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cũng là dịp để dân bản bày tỏ lòng thành kính đối với người có công lập bản.
Bãi đá cổ Khe Hổ nằm giữa thung lũng có diện tích khoảng 50 ha, thuộc bản Hang Chú là một điểm khám phá trải nghiệm lý thú. Xen lẫn giữa những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Mông là 14 khối đá granit (đá cẩm thạch), phân thành 6 cụm nằm cách nhau từ 50-200m, với nhiều hình thù lạ mắt. Bãi đá cổ Khe Hổ được công nhận di sản quốc gia vào năm 2015.
Những khối đá vẫn giữ được nguyên trạng phong hóa tự nhiên; mặt đá có những vết khắc trau chuốt, tỷ mỉ, rộng chừng 2 cm, sâu 2,5 cm. Các hình khắc phong phú, đa dạng, mang vẻ đẹp riêng trong phong cách tạo hình của nghệ thuật cổ, miêu tả cảnh thiên nhiên, núi đồi, sông suối, ruộng bậc thang...
Ấn tượng Lễ hội “Về miền đá cổ xã Hang Chú” năm 2025 để lại trong lòng du khách thập phương và niềm tự bào của nhân dân trên địa bàn, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời, khích lệ nhân dân các xã vùng cao phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, đem lại những mùa xuân ấm no. Quảng bá hình ảnh vùng đất, con người của huyện vùng cao Bắc Yên đến với du khách trong và ngoài tỉnh.
Nội dung: Nhóm phóng viên
Thiết kế: Trung Hiếu
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!