Năm 2012, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được xây dựng tại phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên; khánh thành, đưa vào hoạt động năm 2014. Bảo tàng có kiến trúc hiện đại, hình dáng bên ngoài thiết kế theo hình chiếc mũ nan phủ lưới ngụy trang cùng với hệ thống nan bê tông, cốt thép tạo hình quả trám, tượng trưng cho chiếc áo trấn thủ của chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Đây là công trình văn hóa, lưu giữ hàng nghìn tài liệu, hiện vật gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Bảo tàng có 1 tầng hầm và 1 tầng nổi. Trong đó, tầng hầm là nơi đón tiếp khách tham quan, không gian học tập, tương tác và các dịch vụ giải trí. Tầng nổi, trưng bày cố định chuyên đề Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, không gian bức tranh panorama và bộ phận làm việc.

Phần trưng bày được bố trí ở tầng nổi của Bảo tàng với diện tích 1.250 m²; thiết kế ấn tượng, độc đáo với những cảnh quan, cảnh tượng lịch sử, cùng gần 1.000 hiện vật gốc nhằm tái hiện sinh động 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của những chiến sĩ "gan không núng, chí không mòn", làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Không gian nổi bật, là phối cảnh kéo pháo vào trận địa, vận chuyển lương thực, phá đá mở đường... cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho chiến dịch, yếu tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng, cũng là một trong những kỳ tích của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Điểm nhấn đặc biệt trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là toàn bộ không gian nằm giữa trung tâm của bảo tàng, với diện tích 4.500 m² dành riêng để thực hiện bức tranh Panorama, tái hiện lại Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là bức tranh toàn cảnh đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, quy mô lớn nhất Đông Nam Á và là một trong ba bức tranh tròn lớn trên thế giới.

Bức tranh thực hiện trong 9 năm, được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên nền vải toan trong không gian 360 độ, có chiều cao 20,5 m, chiều dài 132 m, đường kính 42 m. Trên tranh có 4.500 nhân vật, cùng phong cảnh núi rừng. Bức tranh đã tái hiện một cách trọn vẹn, liền mạch các trận đánh tiêu biểu theo diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo cho người xem một góc nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động, bố cục theo 4 trường đoạn: “Toàn dân ra trận”; “Khúc dạo đầu hùng tráng”; “Cuộc đối đầu lịch sử” và “ Khúc khải hoàn mừng chiến thắng”.

Từ ngày 5/3/2024, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối wifi, quét mã QR, khách tham quan Bảo tàng có thể nắm bắt toàn bộ thông tin giới thiệu nội dung bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” bằng 3 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp.

Không chỉ sưu tầm, lưu giữ, phát huy giá trị tài liệu, hiện vật, đội ngũ hướng dẫn viên tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ luôn đổi mới tư duy, hoạt động nghiệp vụ, nâng cao chất lượng công tác phục vụ theo hướng chuyên nghiệp, thu hút khách tham quan.

Đầu năm 2024, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên xếp hạng là Bảo tàng hạng II. Đây là niềm vinh dự, động lực to lớn để tập thể cán bộ, viên chức, người lao động quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Thực hiện: Nhóm Phóng viên

Thiết kế: Trung Hiếu

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Bạn có thể quan tâm