Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 đang diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk, Lễ hội đường phố sẽ là một điểm nhấn để du khách cảm nhận rõ hơn những nét văn hóa riêng có của người Tây Nguyên.
Đoàn voi diễu hành trên đường phố - Một trong những
ấn tượng độc đáo nhất của Lễ hội đường phố ở Buôn Ma Thuột.
Với chủ đề: “Cà phê - sức sống đại ngàn từ mạch nguồn văn hoá”, Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 sẽ diễn ra vào ngày 10/3/2017- Đúng vào dịp kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975-10/3/2017), mở đầu của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Theo kế hoạch, đoàn diễu hành của Lễ hội sẽ đi qua các tuyến phố lớn của TP. Buôn Ma Thuột với các thành phần tham dự gồm: 15 đội cồng chiêng của các huyện, thị xã, thành phố và đội hình nông dân trồng, sản xuất cà phê; đoàn xa cày của nông dân tỉnh Đắk Lắk; khối các đội khách mời gồm đội cồng chiêng các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Quảng Nam; 05 đoàn nghệ thuật dân gian nước ngoài; đoàn voi các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; đoàn hoá trang cây cà phê, hoa cà phê, trái cà phê chín đỏ và nhóm 100 công dân trồng, sản xuất cà phê của tập đoàn Trung Nguyên Legend; đoàn nghệ thuật đường phố thế giới với 100 diễn viên trong trang phục truyền thống các nước;…
Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Lễ hội đường phố lần này mang đậm màu sắc văn hoá Tây Nguyên và được hình tượng hoá như câu chuyện cổ tích bằng tiếng tù và, tiếng cồng chiêng hoà quyện…. Trong đó, nổi bật và ấn tượng sẽ là đoàn 15 đội cồng chiêng của các huyện, thị xã, thành phố với sự tham gia của khoảng 200 nghệ nhân với các nhạc cụ đặc trưng của các cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số như trống, chiêng, tù và, kèn, đàn…. và đoàn đội hình 100 nông dân trồng, sản xuất cà phê với 15 xe cày hoa (xe cày 4 bánh trang trí hoa và hạt cà phê) sẽ mở đầu cho hoạt động diễu hành.
“Không chỉ ấn tượng với số lượng, trang phục, phương tiện và nhạc cụ đặc trưng như đã nói mà với du khách và bản thân từng người dân các tỉnh Tây Nguyên (trong đó có Đắk Lắk), hình ảnh cồng chiêng trong tay các nghệ nhân đi trên đường phố với những âm sắc đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên vừa kết nối giữa con người với thần linh, kết nối con người với con người.... Cồng chiêng cũng là tài sản quý giá, biểu tượng cho sự giàu có của một dòng họ, một gia đình và góp phần tạo nên Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 15/1/2005; đến năm 2008 được chuyển thành Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại” - ông Nguyễn Hải Ninh chia sẻ.
Hoà cùng với âm nhạc lễ hội và cồng chiêng là những điệu sử thi hung tráng. Và trong hình tượng của các đoàn diễu hành khác, nhiều động tác, trang phục hay hoá trang… cũng sẽ thể hiện nhưng giá trị văn hoá tinh thần của Tây Nguyên. Trong đó, voi là biểu tượng đặc sắc của Tây Nguyên. Voi tượng trưng cho sức mạnh, lòng can đảm, sự thông minh chính trực.
Chia sẻ thêm về biểu tượng của voi trong đời sống đồng bào Tây Nguyên, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hải Ninh thì: “Với đồng bào các dân tộc thiểu số dọc theo dãy Trường Sơn, voi là loài vật quý hiếm nhất, là hiện thân của sức mạnh và sự giàu có của mỗi gia đình, mỗi buôn làng... Với hình ảnh đàn voi chở theo trên mình những hạt cà phê- tinh hoa của đất trời Tây Nguyên, đàn voi diễu hành trên đường phố sẽ gợi cho nười xem nhiều dấu ấn văn hoá, kinh tế- xã hội đặc sắc của Tây Nguyên. Đó là giá trị lâu đời của vùng đất Tây Nguyên này”.
Đến với Lễ hội đường phố lần này, người dân và du khách sẽ cảm nhận rõ hơn những giá trị của cây cà phê ở vùng đất đỏ Tây Nguyên, của Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên… Qua đó sẽ góp phần tôn vinh Không gian văn hoá cồng chiêng, đồng thời nâng cao nhận thức và đam mê dành cho cà phê của Tây Nguyên./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!