Khắc phục hạn chế, thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển

Du lịch làng nghề không chỉ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế cho các làng nghề mà còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, để du lịch làng nghề thực sự phát triển, vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn.

Phát triển du lịch làng nghề là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân các làng nghề .

Theo ông Nguyễn Vi Khải – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay, cả nước có trên 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.748 làng nghề được công nhận, trên 400 làng nghề truyền thống với hơn 53 nhóm nghề. Trong đó, ước tính có khoảng hơn 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau với nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển lâu đời như: tơ lụa Vạn Phúc, đồng Ngũ Xã, gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng, thêu Quất Động,…

Phần lớn các làng nghề truyền thống thường gắn với một vùng sông nước nằm trên trục giao thông thuận lợi, kể cả đường bộ và đường sông, vì vậy thuận tiện để xây dựng các chương trình du lịch kết hợp. Có thể kể đến các địa phương khá năng động trong việc phát huy lợi thế để phát triển du lịch như: Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng,… Đây là lợi thế rất cần phát huy, đồng thời cần tạo điều kiện nâng cấp chất lượng hạ tầng để phát triển du lịch làng nghề.

Mỗi làng nghề là một môi trường văn hóa, kinh tế và kỹ thuật truyền thống lâu đời, là nơi bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật, kỹ thuật sản xuất từ đời này sang đời khác. Trong đó, du lịch làng nghề truyền thống sẽ là địa chỉ lý tưởng để du khách tham quan tìm hiểu các giá trị văn hóa, các phong tục tập quán, lễ hội, đồng thời góp phần tạo điều kiện gìn giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tuy vậy, trên thực tế, hoạt động du lịch làng nghề ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục. Nổi bật lên hàng đầu là thiếu chiến lược lâu dài; nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch tại các làng nghề còn thiếu và yếu. Đồng thời sản phẩm làng nghề tuy nhiều, phong phú nhưng sức cạnh tranh kém, chưa tính đầy đủ tới nhu cầu của thị trường, ít sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế.

Cùng với đó, du lịch làng nghề hiện nay phần lớn mang tính tự phát, vì vậy, hiệu quả chưa cao, du khách thường chỉ đến một lần và sức lan tỏa chưa sâu rộng. Nhiều địa phương chưa có chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp và cơ sở hạ tầng, các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển du lịch làng nghề. Đặc biệt, môi trường nhiều làng nghề bị ô nhiễm là một trong những nguyên nhân hạn chế việc thu hút khách du lịch tại các làng nghề. Sự liên kết, hợp lực giữa các doanh nhân, người sản xuất, nhà quản lý,...chưa trở thành một khối thống nhất để phát huy tiềm năng lớn của làng nghề cũng như thế mạnh của du lịch làng nghề.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Nguyễn Vi Khải, để phát triển du lịch làng nghề, rất cần nâng cao nhận thức về vai trò và vị thế của làng nghề và du lịch làng nghề. Làng nghề có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở khu vực nông thôn. Hơn nữa, ở những làng thuần nông, một trong những giải pháp giúp thoát nghèo là phát triển làng nghề và du lịch. Vì vậy, phát triển du lịch làng nghề cần được xem là một trong những chiến lược quan trọng hiện nay.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp mang tính hệ thống, quy hoạch phát triển làng nghề trong các chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, nhằm tạo cơ sở hạ tầng thuận lợi từ hệ thống đường giao thông, kênh rạch, nơi tập kết và bãi thải theo quy trình kỹ thuật và cảnh quan môi trường sạch đẹp thu hút khách du lịch.

Riêng về cảnh quan môi trường các làng nghề, theo TS. Tôn Gia Hóa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, rất cần duy trì, làm đẹp cảnh quan các làng nghề nhằm tạo cho du khách không gian thoải mái. Đồng thời, với nhu cầu quan tâm đến khu vực sản xuất tại làng nghề, rất cần tổ chức, bố trí ngăn nắp hợp lý, thuận tiện cho du khách tham quan, tìm hiểu, thử chế tác hoặc tham gia một công đoạn chế tác sản phẩm. Cùng với đó, việc đào tạo hướng dẫn viên tại chỗ cho các làng nghề có hướng phát triển du lịch là giải pháp quan trọng để thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển.

Đặc biệt, hiện nay, việc phát triển du lịch làng nghề đang là bức tranh lắp ghép khá “rời rạc”, rất cần có một đầu mối để thực hiện công tác chỉ đạo, điều phối các hoạt động của du lịch làng nghề, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch làng nghề của các vùng, miền./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới