Du lịch lòng hồ thủy điện-góc nhìn từ du khách

Dịp nghỉ cuối tuần, được theo đoàn du khách là đồng nghiệp từ Hà Nội lên khám phá, trải nghiệm vùng hồ thủy điện Sơn La vào mùa nước nổi. Chuyến đi đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, nhưng cũng nhận được những ý kiến góp ý chân thành, khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn.

Non nước Chiềng Lao (Mường La).

Từ đầu đập thủy điện Sơn La, đoàn thuê thuyền sắt có sức chứa khoảng 30 người mới hạ thủy còn thơm mùi sơn, có khoang ngồi, nằm, mui che thoáng mát. Chủ thuyền tên Thành, quê ở thị trấn Ít Ong (Mường La) nhắc chúng tôi phải mặc đầy đủ áo phao. Đoàn rời bến ngược dòng, ai nấy đều hồ hởi khám phá du lịch vùng lòng hồ. Theo lịch trình, điểm đầu tiên đoàn đến là Chiềng Lao - nơi vùng quê “sơn thủy hữu tình” của đồng bào tái định cư trải dọc đôi bờ suối Nậm Mu hiền hòa in hình bóng núi; có công trình thủy điện Huổi Quảng đang gấp rút hoàn thành...

Trước những thắng cảnh đẹp mê hồn, mọi người tận dụng tất cả những phương tiện có thể ghi hình để ghi lại khoảnh khắc đẹp được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Bất chợt có người hỏi: Đây là bản gì, dân sống thu nhập khá không; nếu ở lại đây một đêm thì ngủ ở đâu, ăn cái gì?... và một loạt câu hỏi khác liên quan đến du lịch đều hướng ánh mắt về tôi, nên tôi trở thành “hướng dẫn viên du lịch” bất đắc dĩ. Rời bến được hơn tiếng đồng hồ, chủ thuyền nhắc nhẹ: Ai có “nhu cầu” thì ra sau buồng khoang lái. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì cái “WC cầu tõm di động” ấy chỉ là cái hộp bằng tấm tôn 3 mảnh hàn lại chưa đầy m2, nếu đứng không vững dễ bổ nhào xuống nước làm mọi người ái ngại. Đến bến đỗ, thuyền neo lại bên hủm một vách đá dựng đứng để tránh nắng. Các chị em lại một phen bối rối, đỏ mặt, vì nơi này cũng chỉ có những tảng đá trơ chọi ven sông, đâu có kín đáo như WC ở thành thị. Còn chủ thuyền thì tỉnh bơ: “Vào bản cũng vậy thôi, nếu có thì nhà họ cũng khóa cổng đi nương hết rồi?”...

Đoàn chúng tôi lên bờ thăm quan thủy điện Huổi Quảng rồi quay ra bến Nà Cường neo lại trú nắng quanh những khối núi đá cao ngất, căng bạt, bày bữa cơm trưa mang sẵn từ Thành phố vào. Chị Tống Thanh Huyền, quê ở Đông Anh (Hà Nội) băn khoăn: Sao không vào quán trong bản để gọi thêm món, ngồi ăn uống cho nó đàng hoàng? Chủ thuyền giải thích trong bản không có quán ăn, muốn thì phải đặt trước ở một gia đình nào đó, hoặc sang khu trung tâm xã còn may chăng nhưng phải đi bộ lên bản khá xa? Trong đoàn, có người lên lần đầu hỏi: Nếu ăn ở bản liệu có đội văn nghệ biểu diễn giao lưu không? Chủ thuyền phì cười: Ban ngày họ đi nương hết rồi, thậm chí buổi tối cũng khó vì họ không chuyên nghiệp nên hay ngại lắm!

Trời chiều, đoàn rời bến nhằm hướng Quỳnh Nhai rẽ sóng. Anh Hoàng Phương, Báo Công an TP.HCM thường trú tại Hà Nội (làm trưởng đoàn) ghé tai tôi: “Chiềng Lao cảnh sắc quá đẹp, xứng tầm với “Hạ Long” trên núi. Giá như vùng này đồi bớt trọc đi; đầu tư thêm dịch vụ du lịch cộng đồng; mở các tuyến du lịch sinh thái, leo núi, khám phá trải nghiệm; đầu tư thêm nhiều dịch vụ lưu trú; đem hết ẩm thực đặc sản và các lễ hội dân gian riêng có của bà con ra “khoe” với du khách... thì tôi tin, Chiềng Lao sẽ là một điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La”.

Trên đường đến Quỳnh Nhai, đoàn ghé qua một số bản TĐC ven hồ thuộc xã Liệp Tè để các tay máy săn ảnh. Khi nghe kể về dưới lòng hồ khu vực này từng có bãi đá cổ, hiện một số hiện vật đã được khai quật và di dời về lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và Nhà truyền thống thủy điện Sơn La. Nghe vậy, nhiều người trong đoàn nhao lên tiếc nuối: “Đồng ý khai quật di dời khỏi vùng ngập, nhưng sao không để lại một số hiện vật cho các bản ở đây quản lý bảo vệ, để nơi đây cũng là địa chỉ dừng chân trong chuỗi tham quan vùng hồ, tạo thêm việc làm và thu nhập cho bà con có phải tốt hơn không?” Trời về chiều, khi hoàng hôn như dát bạc buông xuống lòng hồ cũng là lúc đoàn cập bến Pá Uôn. Mục tiêu là đưa đoàn lên bờ vào phố huyện Quỳnh Nhai mới để giao lưu văn nghệ với đồng bào tái định cư, nhưng có người góp ý: “Đã đi du lịch trải nghiệm, ai lại về phố huyện nghỉ còn nghĩa lý gì?” Vậy là cả đoàn neo lại bến Pá Uôn, nổi lửa, mua cả chục ký cá sông tươi rói lên nướng, nhâm nhi cùng bát rượu nồng, say lúc nào không biết. Khuya về, đoàn ưu tiên phái nữ ngủ lại thuyền chủ, còn cánh đàn ông được chủ thuyền mượn thêm chỗ ngủ của 2 thuyền khách quen ghép lại ngủ “giao lưu” lấy mạn thuyền làm gối, áo phao làm chăn, “đánh” một giấc đến sáng.

Bình minh lên, cầu Pá Uôn thật lung linh huyền ảo. Chủ thuyền đưa đoàn đi một vòng ngắm cây cầu kỳ vĩ từ dưới mặt hồ, lượn qua các đảo nhỏ lô nhô, rồi lên đền thờ Nàng Han linh thiêng thắp nén hương cho tâm hồn thanh thản mỗi khi đi trên sông nước. Quay lại bến Pá Uôn, có người trong đoàn muốn mua cái gì đó làm quà kỷ niệm, nhưng chủ thuyền bảo ở đây chỉ có đàn tính tẩu, nhưng muốn mua hàng xịn phải có người giới thiệu đúng địa chỉ, chủ yếu ở trong huyện, chứ ở đây thì không có!

Đi qua cầu Pá Uôn, tôi giới thiệu cho đoàn biết, ở đây đầu xuân hằng năm thường diễn ra các lễ hội: Gội đầu, đua thuyền truyền thống, nhân dân khắp các địa phương hội tụ về đây chứng kiến lễ hội chật cả khúc sông, xe cộ đỗ dài mấy km. Anh Phương (trưởng đoàn) là dân làm báo, am tường các lễ hội, góp ý chân tình: “Lễ hội định kỳ hằng năm mà thu hút đông khách về dự là điều đáng quý, cần gìn giữ, phát triển. Nhưng tôi thấy khu vực tổ chức lễ hội vẫn còn thấy hoang sơ lắm, ngoài sân khấu chính sao không san lấp, mở thêm những bãi đỗ xe vệ tinh gần đó để bà con đỡ phải đi bộ xa. Hơn nữa, nên vận động bà con phát triển các loại hình dịch vụ, tranh thủ bán các sản vật địa phương phục vụ du khách, đừng để cho khách phải “dồn tiền” làm giàu cho mấy quán quen trong huyện, tiếc cho bà con quá!”

Chia tay Mường Chiên, chia tay cảnh sắc núi non hùng vĩ, chúng tôi trở về bến thuyền đầu đập thủy điện Sơn La, ai nấy đều thấm mệt sau 2 ngày khám phá, trải nghiệm, nhưng mọi người vẫn háo hức, nếu có dịp sẽ tiếp tục quay lại, với những hy vọng tuyến du lịch vùng hồ thủy điện Sơn La sẽ được cải thiện, đổi mới, níu chân du khách.

Anh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới