Những năm qua, tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước, giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào được vun đắp, tô thắm bằng nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực. Đặc biệt, thông qua hoạt động kết nghĩa giữa các cặp bản hai bên biên giới đã góp phần củng cố tình đoàn kết nhân dân hai nước, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Người dân bản Lao Khô 1, xã Phiềng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La (Việt Nam)
chia sẻ kinh nghiệm trồng chanh leo với người dân bản Nà Khạng, cụm bản Phiêng Sa, huyện Xiềng Khọ,
tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào).
Là bản đầu tiên được chọn triển khai hoạt động kết nghĩa các bản hai bên biên giới ở tỉnh, bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài (Yên Châu) có 120 hộ, 7 dòng họ dân tộc Mông sinh sống. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1949-1952), gia đình ông Tráng Lao Khô, bản Lao Khô 1 đã cưu mang, giúp đỡ đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn, cố Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào xây dựng tổ chức cơ sở hoạt động cách mạng. Từ một vài hộ đồng bào dân tộc Mông của gia đình ông Tráng Lao Khô, nay đã phát triển thành bản mới, lấy tên Lao Khô làm tên bản. Bên kia biên giới là bản Nà Khạng, thuộc cụm bản Phiêng Sa, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào cũng hầu hết là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những nét văn hóa tương đồng, đặc biệt là mối quan hệ truyền thống gắn bó lâu đời từ trước đây, cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân hai bản Lao Khô 1 và Nà Khạng đã nhất trí kết nghĩa, thực hiện chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước nhằm tăng cường củng cố mối quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào trong giai đoạn mới.
7 năm trôi qua, kể từ ngày kết nghĩa, tinh thần đoàn kết giữa hai bản Lao Khô 1 và Nà Khạng ngày càng được tăng cường, nhận thức của đồng bào các dân tộc sống hai bên biên giới về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia cũng như việc chấp hành các quy định của Hiệp định về quy chế biên giới được nâng lên rõ rệt. Nhân dân hai bên đã tích cực tham gia với lực lượng bảo vệ biên giới của mỗi bên tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, cùng giải quyết các vụ việc xảy ra thấu tình, đạt lý, vừa đảm bảo đúng Hiệp định về quy chế biên giới và pháp luật của mỗi nước, vừa giữ được tình đoàn kết hữu nghị. Không chỉ cùng nhau đoàn kết bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, vào những ngày lễ, tết cổ truyền hay mỗi khi có người ốm đau, nhân dân hai bản còn thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên, quan tâm giúp đỡ; hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình.
Anh Tráng Lao Khai, Trưởng bản Lao Khô 1, chia sẻ: Trước khi kết nghĩa, người dân bản Lao Khô 1 và bản Nà Khạng vốn đã xem nhau là anh em, bản bên này xảy ra chuyện gì thì người dân bên kia cùng chia sẻ; chỉ có điều khi chưa kết nghĩa thì việc đi lại, thăm thân hoặc các hoạt động trao đổi, giao lưu gặp một số khó khăn. Từ khi thực hiện kết nghĩa, định kì 1 tháng 1 lần, hai bên luân phiên tổ chức gặp gỡ để trao đổi tình hình. Trong trường hợp có vụ việc phát sinh liên quan đến hai bên biên giới, hai bản sẽ gặp đột xuất để cùng thống nhất giải quyết. Nhờ vậy, những khó khăn, vướng mắc giữa hai bản gặp phải trước đây dần được khắc phục. Nhận thấy phía bản bạn có nhiều đất canh tác nhưng chưa khai thác hiệu quả, được sự hỗ trợ tích cực của cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Chiềng On, bà con dân bản Lao Khô 1 đã sang bản Nà Khạng hướng dẫn dân bản cách làm ruộng nước và đưa giống lúa mới vào trồng thử nghiệm; chuyển giao kỹ thuật trồng, hỗ trợ, cung ứng gần 2.000 giống cây ăn quả (mận hậu, chanh leo...). Nhờ đó, dân bản Nà Khạng đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt để từng bước tăng thu nhập. Việc trao đổi hàng hóa giữa nhân dân hai bên diễn ra thuận lợi hơn.
Chia sẻ về hiệu quả hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, ông Thào Lao Páo, Trưởng bản Nà Khạng phấn khởi nói: Quan hệ kết nghĩa đã đem đến nhiều khởi sắc trong nâng cao đời sống, phát triển kinh tế của bản Nà Khạng. Người dân trên địa bàn rất vui vì số cây trồng bản Lao Khô 1 hỗ trợ phát triển tốt và mang lại lợi ích kinh tế khá cao; đời sống của bà con trong bản khấm khá hơn nhiều, không còn tình trạng xâm canh, xâm cư, bà con bỏ ruộng nương, gia đình xuất cảnh trái phép sang bên biên giới đi lao động nữa.
Từ mô hình điểm kết nghĩa giữa bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu và bản Nà Khạng, cụm bản Phiêng Sa, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, nhiều cặp bản tiếp tục được tổ chức kết nghĩa trên toàn tuyến biên giới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 7 cặp bản đối diện hai bên biên giới giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Hủa Phăn được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La tổ chức ký kết nghĩa. Có thể nói, hoạt động kết nghĩa các bản hai bên biên giới là hoạt động thiết thực, hiệu quả, cụ thể hóa chủ trương đối ngoại nhân dân của hai Đảng và hai Nhà nước, không những phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cải thiện đời sống nhân dân, gắn kết tình cảm truyền thống, lâu đời giữa cư dân hai bên biên giới Việt - Lào, mà còn góp phần đảm bảo an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, xây đắp ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!